Những kiến nghị sửa đổi để gỡ vướng trong công tác cấp lý lịch tư pháp

Bài 1: Thay đổi để phù hợp thực tiễn

Luật Lý lịch tư pháp (Luật LLTP) đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17-6-2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2010. Thông qua việc triển khai thi hành Luật LLTP, Phiếu LLTP đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong việc chứng minh nhân thân tư pháp của mình khi tham gia vào các quan hệ pháp lý, dân sự, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ.
Công dân lấy kết quả LLTP tại Sở TP Hà Nội (Ảnh: Đình Tuệ)
Công dân lấy kết quả LLTP tại Sở TP Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ

Tuy nhiên sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật LLTP năm 2009 đã bộc lộ một số bất cập, mà theo đó cần có những điều chỉnh trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung để phù hợp thực tiễn hơn.

Phiếu LLTP số 2 và những yêu cầu đảm bảo quyền bí mật đời tư

Theo quy định của Luật LLTP, mục đích quản lý LLTP là nhằm: Một là, đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản; Hai là, ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng; Ba là, hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự; Bốn là, hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Để bảo đảm các mục đích quản lý LLTP nêu trên, một trong những nguyên tắc quản lý LLTP là “Bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân”.

Theo quy định của Luật LLTP, có hai loại phiếu LLTP: Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2. So với Phiếu LLTP số 1, Phiếu LLTP số 2 ghi đầy đủ các thông tin của cá nhân, bao gồm các thông tin về án tích (đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xóa, thời điểm được xóa án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Tòa án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án) và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Do nội dung Phiếu LLTP số 2 có sự khác biệt so với Phiếu LLTP số 1 và do tính chất đặc thù của việc cấp Phiếu LLTP số 2 theo yêu cầu của cá nhân nhằm mục đích “để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình” nên Luật LLTP quy định chặt chẽ về thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân. Theo đó, trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu LLTP. Trong khi đó, cá nhân khi có yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP.

Bên cạnh quy định chặt chẽ về cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân như đã nêu trên, theo quy định của Luật LLTP, Phiếu LLTP số 2 còn được cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Quy định của Luật LLTP về Phiếu LLTP số 2 và nguyên tắc “bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân” được tiếp cận, nhìn nhận dưới góc độ các thông tin của cá nhân cần thiết được giữ kín, không công khai cho người khác biết. Mục đích cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân là để người đó biết được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp) đang lưu trữ những thông tin LLTP nào của bản thân, không nhằm phục vụ các yêu cầu của cá nhân tham gia các quan hệ pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác – cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự nhằm phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Tránh lạm dụng yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2

Theo đánh giá, thời gian quan trên địa bàn TP Hà Nội, nhu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân ngày càng tăng. Nhu cầu này xuất phát từ chính yêu cầu của cá nhân, tổ chức khi cá nhân thực hiện một số các thủ tục tại các cơ quan, tổ chức như các thủ tục về định cư, kết hôn, xin việc làm, xuất khẩu lao động, du học…) nhưng không nhằm đến mục đích như Luật đề ra “Phiếu lý lịch tư pháp số 2… cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình” và rõ ràng yêu cầu này của cá nhân không phù hợp với quy định của Luật LLTP và không thực hiện được nguyên tắc “bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân”.

Theo phản ánh của công dân, khi Phiếu LLTP số 2 được cấp và sử dụng công khai có thể dẫn đến hệ lụy cho cá nhân khi tái hòa nhập cộng đồng, khó khăn, thậm chí mất cơ hội khi đi du học, xin việc làm, xuất cảnh…

Theo quy định của Luật LLTP (điểm b khoản 2 Điều 41), Phiếu LLTP số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Vì thế, để hạn chế tình trạng lạm dụng Phiếu LLTP số 2, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và bí mật đời tư của cá nhân, bảo đảm mục đích nhân đạo của chế định xóa án tích, nhiều ý kiến cho rằng: Dự thảo Luật sửa đổi Luật LLTP quy định chặt chẽ hơn theo hướng Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, không cấp cho cá nhân, nhất là trong tình trạng hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, chỉ là xin việc lao động đơn thuần cũng yêu cầu công dân phải nộp Phiếu LLTP số 2.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, đang có tình trạng yêu cầu người dân phải cung cấp Phiếu LLTP không thật sự cần thiết. “Nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... yêu cầu người dân phải nộp lý lịch tư pháp, ngay cả chỉ để làm shipper... Điều này gây vất vả cho cán bộ, tốn thời gian, công sức cho người dân”, bà Hương nói.

(Còn nữa)

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.