Quyết liệt thực hiện những giải pháp nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại

Phòng vệ thương mại được nhiều chuyên gia dự báo sẽ trở thành "trụ cột" để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu. Do đó, cần nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại, bảo vệ nền kinh tế, thị trường, phát triển xuất nhập khẩu ổn định, bền vững.
Quyết liệt thực hiện những giải pháp nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại
Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại

Chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng vệ thương mại

Thông tin tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững", do Bộ Công thương tham gia tổ chức cho biết, đến nay Việt Nam đã tham gia ký và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này tạo thuận lợi cho các DN mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Tại Việt Nam, nhờ tác động của quá trình hội nhập nên kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng. Cụ thể năm 2001, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 30 tỷ USD. Đến năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 100 tỷ xuất nhập khẩu. Với tốc độ phát triển này, dự kiến năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu trên 600 tỷ USD. Như vậy năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Đây có thể là lý do chính khiến các biện phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu gia tăng nhanh chóng.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, Việt Nam đã ứng phó tổng cộng là 208 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với các mặt hàng sản xuất của nước ta. Nhiều nhất trong số này là mặt hàng sắt thép và mặt hàng thế mạnh khác như thủy sản, dệt may, gỗ…

Cục Phòng vệ Thương mại đã phối hợp ứng phó kịp thời, hiệu quả, đảm bảo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, giữ những thị trường xuất khẩu quan trọng. Việt Nam cũng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng vệ thương mại.

Cụ thể, chúng ta đã điều tra, áp dụng 23 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam với nhiều mặt hàng như sắt thép, đường, sợi, phân bón… Các biện pháp đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần phát triển các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là với các ngành cơ bản.

Đối với ngành thép, giai đoạn 2016-2021, xuất khẩu thép của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng rất đáng mừng, tăng trưởng bình quân xuất khẩu thép và bán thành phẩm thép (thép thô, ferro, v.v) khoảng hơn 20%/năm, trong đó tính riêng xuất khẩu thép thành phẩm tăng trưởng khoảng 12%/năm.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, sản phẩm thép Việt Nam là một trong những mặt hàng có số lượng các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng điều tra gia tăng đáng mạnh. Trong giai đoạn đầu khi đối mặt với các vụ kiện về phòng vệ thương mại, các DN sản xuất thép gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Nghiêm Xuân Đa Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép xuất khẩu không chỉ xảy ra ở các thị trường lớn như: Mỹ, Canada, châu Âu mà còn xảy ra ngày càng nhiều ở các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Điều này nói lên một xu hướng là hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện phòng vệ thương mại ở bất cứ quốc gia nào, thị trường lớn hay nhỏ, lĩnh vực hay loại hàng hóa nào.

Doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu

Theo ông Lê Triệu Dũng, phòng vệ thương mại là một lĩnh vực rất phức tạp khi có những quy định cụ thể nhưng vẫn bị thay đổi thường xuyên. Đặc biệt là vấn đề pháp lý liên quan đến nội dung kỹ thuật, tài chính, kế toán kiểm toán…Trong các vụ việc phòng vệ thương mại thì các ngành sản xuất đều phải có chiến lược ứng phó kịp thời và chi tiết.

Hơn nữa, chúng ta cần sử dụng tốt các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp được Tổ chức Thương mại thế giới cho phép. Quá trình điều tra áp dụng phòng vệ thương mại cần khách quan, đảm bảo tất cả các ý kiến của các bên liên quan được tổng hợp, tính toán và cân nhắc cho đúng các quy định chi tiết của pháp luật trong nước và thế giới, từ đó tránh lạm dụng, đảm bảo hiệu quả của quá trình hội nhập.

Ông Nghiêm Xuân Đa nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, các DN cũng cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường, cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Nhận thức được tầm quan trọng của công cụ phòng vệ thương mại, trong thời gian qua Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều Đề án, Chương trình nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam. Cụ thể như: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ", Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại" với mục đích ngăn ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Đăng Quý

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.