Xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi

VEC không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường

Trả lời thẩm vấn tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng đề nghị có cơ quan giám định chuyên sâu đánh giá lại giá trị thiệt hại.
Các bị cáo tại tòa  Box:
Các bị cáo tại tòa

Theo cáo buộc, các nhà thầu và đơn vị liên quan không làm đúng yêu cầu thiết kế. Hồ sơ nghiệm thu thi công cũng bị các bên ghi khống số liệu. Đáng chú ý, vật liệu đá dăm để rải mặt đường không đạt yêu cầu, chứa nhiều tạp chất nên không đảm bảo kết dính. Kết quả giám định cho thấy các lớp nền, móng, mặt đường thuộc giai đoạn một không đảm bảo tiêu chuẩn khiến cao tốc nhiều "ổ gà", nứt gãy. Đặc biệt, các đoạn thi công kém chất lượng đều bị hư hỏng khi vừa được đưa vào sử dụng.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Hoàng Trung Hậu, nguyên kỹ sư nhà thầu tư vấn giám sát, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, khai, khi phát hiện vật liệu nguồn không đảm bảo chất lượng, bị cáo đã báo cáo giám sát người nước ngoài, nhưng họ không có ý kiến gì.

Bị cáo Quản Trọng Tuấn, nguyên GĐ Ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trình bày, có sự sai lệch trong việc tính giá trị thiệt hại. Phan Ngọc Thơm, nguyên Phó GĐ Ban điều hành Liên danh gói thầu số 3B, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thì cho rằng, cần có cơ quan chuyên ngành đánh giá lại kết luận giám định.

Nhóm các bị cáo nguyên là kỹ sư nhà thầu tư vấn giám sát, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gồm: Quách Văn Phúc, Phan Doãn Giang, Đào Trọng Hiếu… thừa nhận sai phạm, nhưng đều bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét vai trò của các bị cáo không phải là chủ chốt, vị trí của bị cáo chỉ làm việc trong phòng thí nghiệm hiện trường, chỉ giúp sức cho các kỹ sư ở Văn phòng Ban giám sát, chất lượng vật liệu không đảm bảo là do rất nhiều bên, nhiều kênh, mà phòng thí nghiệm hiện trường chỉ là một khâu… Do vậy, các bị cáo mong được HĐXX cân nhắc các tình tiết này để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Trong khi đó, giám định viên khẳng định quá trình giám định, thực hiện giám định một cách khách quan, độc lập. “Kết quả giám định chúng tôi đảm bảo chính xác”, giám định viên nói và cho biết quá trình giám định, họ đã nghiên cứu các quy trình của Việt Nam, dựa vào chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, hồ sơ thiết kế được duyệt, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng với dự án.

Tại tòa, đại diện VEC cho biết, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư 34.000 tỷ đồng. Với vai trò là chủ đầu tư, VEC đã có các biện pháp, quy trình, quy định để dự án được sớm đưa vào sử dụng. Về quy trình, VEC khẳng định, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, từ khâu khảo sát, lựa chọn nhà thầu… Trong nội bộ, VEC cũng có quy trình, quy định về giám sát, quản lý chất lượng.

Đối với kết luận giám định, đại diện VEC nói “tôn trọng kết luận giám định” nhưng quan điểm của Tổng Cty, đây là những thiệt hại “cục bộ, đứt đoạn trên đường cao tốc”. Đại diện VEC cho rằng, trong trường hợp nhà thầu có lỗi, đề nghị họ phải bồi thường nhưng thắc mắc thiệt hại 811 tỷ đồng là chưa phù hợp. Nhưng khi chủ tọa hỏi, đại diện VEC thay đổi, cho rằng, không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường bởi vì họ là những người lao động, làm công ăn lương.

Tương tự, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông - Cienco5 nêu, những hư hỏng xảy ra là cục bộ. Cty chấp thuận bồi thường cho chủ đầu tư nhưng đề nghị VEC trả lại 5% tiền bảo hành. Còn Tổng Cty Sông Đà trình bày, suốt quá trình thi công và thời gian bảo hành, họ không nhận được ý kiến phản hồi của chủ đầu tư, tư vấn giám sát chất lượng đoạn đường công ty thi công. Cty cũng không yêu cầu các bị cáo phải bồi hoàn tiền.

Khi được hỏi, hầu hết đại diện các Tổng Cty đều xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cán bộ, nhân viên của mình.

Trả lời tòa, đại diện Ngân hàng BIDV cho biết, ngân hàng đã phát hành 7 chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Cienco 5, Cienco 6, Cty Tuấn Lộc, Tổng Cty Sông Đà, Cty Phương Thành, Cty Thành Phát tại các gói thầu số 1, 3b, 4, 5, 7. Tuy nhiên, đến nay các chứng thư bảo lãnh này đều không còn giá trị vì dự án đã chuyển sang bảo lãnh bảo hành. Hiện ngân hàng đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho 5 gói thầu, chuyển cho VEC 131 tỷ đồng (5 gói thầu trên). Ngân hàng cũng phát hành 3 bảo lãnh bảo hành công trình cho Cienco 5, Cienco 1, Vinaconex, Cty Thành An và ngân hàng chưa nộp tiền bảo lãnh bảo hành cho chủ đầu tư với lý do các bên vẫn đang có văn bản qua lại.

Ngân hàng đề nghị tòa xem xét giải quyết việc bảo lãnh thành vụ án dân sự khác. Nếu xác định giá trị bảo lãnh, giá trị hoàn thành, chưa hoàn thành thì ngân hàng sẽ chuyển tiền bảo lãnh.

Nhật Nam

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.