Thanh Hóa:

Tăng cường giám sát cấp phép, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản

Ngày 25-11, Thường trực HĐND Thanh Hóa đã làm việc với UBND tỉnh, giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước về cấp phép, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay.
Ông Lê Tiến Lam Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị
Ông Lê Tiến Lam Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị (Ảnh: BTH)

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2018 đến ngày 31-7-2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 3 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 235 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng do UBND tỉnh cấp; 67 mỏ bị thu hồi, cho phép trả lại và ban hành quyết định đóng cửa; đang thẩm định hồ sơ đóng cửa 8 mỏ và đang đôn đốc nộp hồ sơ đóng cửa 23 mỏ; có 314 giấy phép khai thác khoáng sản còn hạn.

Về cơ bản, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản được UBND tỉnh và các ngành liên quan thực hiện bảo đảm theo đúng nguyên tắc hoạt động khoáng sản và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra luôn được các cơ quan chức năng duy trì thường xuyên, bảo đảm không bỏ sót; số cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân luôn bảo đảm phù hợp theo quy định.

Từ năm 2018 đến ngày 31-7-2021 Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện, Công an huyện, Chủ tịch UBND cấp xã đã xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản với tổng số tiền hơn 13,6 tỉ đồng.

UBND tỉnh cũng đã dừng khai thác đối với 13 đơn vị được cấp giấy phép, Công an tỉnh khởi tố 2 vụ với 2 đối tượng vi phạm.

Bên cạnh các mặt tích cực thì việc khai thác mỏ của các đơn vị cũng bộc lộ một số hạn chế, như: Một số mỏ cấp phép thăm dò, khai thác khi chưa có quy hoạch, chưa phù hợp với nguyên tắc hoạt động khoáng sản; vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường…

Trước đó do khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt, không đảm bảo môi trường, mỏ đá của Công ty TNHH MTV Tân Thành 9 ở núi Vức đã bị đình chỉ hoạt động khai thác từ ngày 28/7/2021
Trước đó do khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt, không đảm bảo môi trường, mỏ đá của Công ty TNHH MTV Tân Thành 9 ở núi Vức đã bị đình chỉ hoạt động khai thác từ ngày 28/7/2021, yêu cầu khác phục sai phạm (Ảnh: TNMT)

Tại buổi làm việc, sau khi nghe các đại biểu phân tích, giải trình, làm rõ một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về cấp phép, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện nghiêm các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến, sản xuất, kinh doanh, lưu thông và sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; đôn đốc vấn đề hoàn nguyên, bảo đảm an toàn lao động và môi trường..

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng Nhân dân hỗ trợ cung cấp thông tin tố giác, vi phạm pháp luật về khai thác, chế biến, vận chuyển sử dụng tài nguyên khoáng sản trái phép. Đồng thời, hướng dẫn, khuyến khích đầu tư, sản xuất các loại vật liệu mới, vật liệu cao cấp có tính năng vượt trội, thân thiện với môi trường;

Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: chỉ xem xét chấp thuận chủ trương các dự án có công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Huy Hoàng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.