Ông Khách say mê hòa giải

Trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Phúc Khách, 63 tuổi, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Dư Xá (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được biết đến là một hòa giải viên uy tín, say mê công tác hòa giải, được người dân địa phương yêu mến, kính trọng.
Ông Khách say mê hòa giải
Ông Nguyễn Phúc Khách là một hòa giải viên tích cực của huyện Ứng Hòa

Ông Khách bắt đầu tham gia công tác hòa giải từ năm 2014, khi đang là Trưởng thôn Dư Xá. Ông Khách không nề hà bất cứ việc gì, chỉ cần người dân cần là ông có mặt. Nhờ đó, 7 năm tham gia công tác hòa giải tại địa phương đã giúp ông có cả “gia tài” kinh nghiệm hòa giải hiệu quả. Các mâu thuẫn xích mích từ nhỏ đến lớn ở khắp làng trên xóm dưới, ông luôn là người đầu tiên đến giải quyết sự việc.

Trên cương vị Tổ trưởng tổ hòa giải, ông Khách luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con trong thôn, giải tỏa ngay những bức xúc khi mới phát sinh. Với những vụ việc trong khả năng của mình, ông phân tích, giải thích vấn đề rồi khuyên nhủ những người trong cuộc nên bình tĩnh cùng nhau giải quyết trên tinh thần xây dựng, ứng xử văn hóa,

Theo ông Khách, điều khó nhất trong quá trình hòa giải là xóa tan mâu thuẫn để đem lại niềm vui, thuận hòa cho các bên. Chính vì mong muốn tình làng nghĩa xóm đoàn kết nên ông luôn cố gắng dùng mọi cách “dìm” những bức xúc xuống thấp nhất có thể.

Hiểu rằng sự chân thành sẽ xoa dịu được những căng thẳng nên khi hòa giải, ông thuyết phục các bên bằng lý lẽ, tình cảm, giúp mâu thuẫn được giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật.

“Với những vụ tranh chấp về đất đai, dân sự, người trong cuộc thường căng thẳng, nóng nảy, ai cũng muốn mình thắng nên không nhường nhịn ai. Tuy nhiên sau khi nhận đơn yêu cầu, tổ hòa giải của chúng tôi đã họp lại đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Sau đó tiến hành hòa giải nên cũng có nhiều thuận lợi, kết quả là tỷ lệ hòa giải thành công rất cao. Trong quá trình hòa giải tùy vào vụ việc cụ thể, tôi vận dụng thêm những phong tục tập quán ở địa phương, quy ước, hương ước của làng, không trái với pháp luật Nhà nước.

Tôi luôn hướng đến phải hòa giải làm sao cho có lý, có tình theo phương châm “thấu tình đúng lý” nên với những kiến thức về pháp luật, cộng với sự phân tích, thuyết phục, giải thích nhẹ nhàng, tình cảm, tôi đã giúp nhiều người xóa tan mâu thuẫn, đi đến thỏa thuận cùng hài hòa, thống nhất, vui vẻ”, ông Khách chia sẻ.

Đối với những vụ việc hòa giải khó khăn, ông Khách không từ bỏ mà cố gắng thuyết phục bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, thậm chí đến các cơ quan nhờ tư vấn rõ những vấn đề khúc mắc đó nên giải quyết như thế nào, từ đó sẽ áp dụng vào công tác hòa giải.

Dù cao tuổi nhưng ông vẫn không ngừng tìm tòi, trang bị những kiến thức để nâng cao hiểu biết, tích cực học hỏi các cách hòa giải hay của các tấm gương hòa giải khác. Nhờ đó, ông luôn chủ động trong các tình huống và đưa ra cách giải quyết thấu đáo.

Sự mẫu mực, nhiệt tình trong vai trò Tổ trưởng Tổ hòa giải ở địa phương của ông Khách đã góp phần vào thành công của công cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.

Không chỉ là một hòa giải viên ưu tú, ông Khách còn tích cực tham gia các hội thi Bí thư chi bộ giỏi, Trưởng thôn thân thiện và đều được cấp trên đánh giá cao. Năm 2017, ông được giải Nhất cấp huyện với hội thi “Trưởng thôn thân thiện”.

Là tấm gương sáng trong công tác hòa giải ở địa phương, ông Khách đã lan tỏa tinh thần trách nhiệm, sự say mê cho các hòa giải viên khác, góp phần hàn gắn, xóa tan mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho mọi người.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.