Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Lý lịch tư pháp đảm bảo quyền lợi của công dân

Luật Lý lịch tư pháp được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2010; quy định về trình tự, thủ tục cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp; lập Lý lịch tư pháp; tổ chức và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; cấp Phiếu lý lịch tư pháp; quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Lý lịch tư pháp đảm bảo quyền lợi của công dân
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Lý lịch tư pháp đảm bảo quyền lợi của công dân

Xác định tầm quan trọng của Luật Lý lịch tư pháp, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của công dân và hoạt động của các cơ quan tố tụng. Do đó, ngay sau khi Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực thi hành, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL TP và Sở Tư pháp TP đưa Luật Lý lịch tư pháp vào kế hoạch PBGDPL hàng năm để tập trung tuyên truyền sâu rộng qua nhiều hình thức và đã mang lại kết quả tích cực.

Bà Vũ Thị Thanh Tú – Trưởng phòng Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Tư pháp TP đã tiến hành đồng bộ các biện pháp tuyên truyền Luật Lý lịch tư pháp như: Sở biên soạn cuốn Sổ tay Hỏi - Đáp về Luật Lý lịch tư pháp, in tờ gấp tuyên truyền, Sổ tay Tìm hiểu pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị truyền thông và mở trang thông tin điện tử để tuyên truyền về Luật Lý lịch tư pháp...

Sở tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Lý lịch tư pháp cho cán bộ chủ chốt và công chức của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp UBND các quận, huyện, thị xã; CA và công chức hộ tịch xã, phường, thị trấn. Nội dung này cũng được truyền đạt đến toàn bộ lãnh đạo Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội qua các cuộc họp giao ban.

Tháng 12- 2012, thực hiện chương trình “Nhìn lại 2 năm thi hành Luật LLTP” của Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát – CATP Hà Nội triển khai thực hiện các nội dung của chương trình.

Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị truyền thông TƯ thực hiện chuyên đề tuyên truyền về việc giải quyết yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp của công dân; CCHC trong lĩnh vực tư pháp; từ đó nâng cao nhận thức của công dân về vị trí, vai trò của Lý lịch tư pháp trong cuộc sống.

Thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý CSDL Lý lịch tư pháp”, để đáp ứng yêu cầu của công tác Lý lịch tư pháp và phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã quyết định thành lập Phòng Lý lịch tư pháp trực thuộc Sở Tư pháp Hà Nội.

Các cán bộ, công chức Phòng Lý lịch tư pháp đều có trình độ chuyên môn phù hợp với tính chất công việc được giao, làm việc hiệu quả và chất lượng. Ngoài bố trí nguồn nhân lực thì cơ sở vật chất của Phòng cũng rất được quan tâm đầu tư, mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại và bổ sung kinh phí giúp đảm bảo cho hoạt động quản lý Lý lịch tư pháp; là cơ sở để Sở Tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

Cùng với đó, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội đã bố trí kho lưu trữ hồ sơ cùng các thiết bị liên quan để bảo quản tốt các hồ sơ Lý lịch tư pháp theo quy định. Tháng 3-2012, Sở Tư pháp bắt đầu triển khai áp dụng phần mềm Quản lý Lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng CSDL Lý lịch tư pháp và phục vụ việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp theo yêu cầu cảu công dân.

Đến nay, toàn bộ công tác xây dựng CSDL Lý lịch tư pháp và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội đã được thực hiện trên phần mềm Quản lý Lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.

Từ ngày 1-4-2019, Sở Tư pháp Hà Nội thực hiện theo Quy chế phối hợp số 02/QCPH- TTLLTPQG- C53, 100% hồ sơ Lý lịch tư pháp đều được scan đến Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia qua đường truyền mạng để xác minh thông tin Lý lịch tư pháp, rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân.

Bạch Dương – Duy Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.