Vụ học sinh văng khỏi xe đưa đón tại Sơn La:

Người có lỗi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Sau những vụ tai nạn thương tâm từ xe đưa đón học sinh, điều được nhiều phụ huynh và người dân quan tâm là trách nhiệm thuộc về ai và làm thế nào để không tái diễn những vụ việc đau lòng tương tự?
: Chiếc xe 16 chỗ rơi cánh cửa khiến 1 học sinh tử vong, 1 em khác bị thương
: Chiếc xe 16 chỗ rơi cánh cửa khiến 1 học sinh tử vong, 1 em khác bị thương

Tài xế chưa có giấy phép lái xe phù hợp

Ngày 23-11, đại diện Ban ATGT tỉnh Sơn La cho biết, cơ quan này đã nhận được báo cáo từ Ban ATGT huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La về sự cố xe đưa đón bị rơi cửa khiến 2 học sinh văng ra ngoài dẫn đến thương vong. Cơ quan chức năng xác định tài xế Lèo Văn Xịch, SN 1972, trú tại xã Dliê Ya, huyện Krông Năng chưa có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, phương tiện trên do Cty TNHH du lịch và thương mại Phú An ký hợp đồng với ông Sầm Văn Hướng, trú tại bản Phiên Xa, Chiềng Sơ, Sông Mã vận chuyển hành khách hàng ngày theo lộ trình từ xã Chiềng Sơ, Sông Mã đến trường THCS Chiềng Sơ và ngược lại.

Như đã thông tin, vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào khoảng 11g ngày 22-11, tại bản Mâm, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La khiến 4 học sinh bị văng ra khỏi xe, trong đó có 2 học sinh bị thương vong.

Theo thông tin ban đầu, vào thời gian trên, chiếc ôtô 16 chỗ mang BKS 26B 007.xx đón nhóm học sinh của trường THCS Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, từ trường về nhà. Trong lúc đang di chuyển thì một cánh cửa của chiếc ôtô bất ngờ bật tung khiến 4 học sinh bị văng ra ngoài. Hậu quả, em L.T.T.U, 14 tuổi, trú tại xã Chiềng Sơ, tử vong tại chỗ.

Ngay sau khi nhận tin báo, CA tỉnh Sơn La đã đến khám nghiệm hiện trường và triển khai các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Theo dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc xe đưa đón học sinh rơi cửa nhãn hiệu Ford Transit, được sản xuất năm 2005 tại Việt Nam. Xe được kiểm định lần gần nhất vào ngày 9-9-2021, tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2601D tỉnh Sơn La, có hạn kiểm định đến hết ngày 8-12-2021.

Hiện CA huyện Sông Mã đang điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định.

Lỗi thuộc về ai?

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm với thương vong của những học sinh này? Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng khiến 1 học sinh tử vong, 1 em khác bị thương, bởi vậy, CQCA cần khởi tố vụ án để giải quyết theo trình tự pháp luật.

Những nội dung cần xác minh là: Chiếc xe đưa đón học sinh gây tai nạn còn thời hạn đăng kiểm, hay có đảm bảo an toàn để tham gia giao thông không; Người điều khiển phương tiện có đủ điều kiện theo quy định, có sử dụng chất kích thích khi lái xe; Việc chuyên chở học sinh có được ký hợp đồng, có được cơ quan có thẩm quyền cho phép hay chỉ là hoạt động tự phát; Trong khi tham gia giao thông trên đường lái xe có tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ?...

“Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy người điều khiển chiếc xe ô tô này đã có lỗi khi không kiểm tra điều kiện an toàn, đưa phương tiện không đủ điều kiện an toàn để tham gia giao thông dẫn đến tai nạn thì CQĐT có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Việc người lái xe có giấy phép phù hợp hay không, phương tiện có đủ điều kiện tham gia giao thông hay không, có được phép chở học sinh hay không là những vấn đề quan trọng để xác định trách nhiệm của đơn vị vận tải”, luật sư Nguyên nói.

Nếu kết quả xác minh cho thấy, người điều khiển những chiếc xe đưa đón học sinh đã có lỗi khi không kiểm tra điều kiện an toàn, đưa phương tiện không đủ điều kiện an toàn để tham gia giao thông dẫn đến tai nạn chết người, thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260, BLHS năm 2015.

Luật sư Nguyên cũng cho rằng, về nguyên tắc chung của pháp luật thì với hành vi có lỗi, dù là lỗi vô ý nhưng gây hậu quả chết người thì người có lỗi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: Tội "Vô ý làm chết người" hoặc tội "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp" hoặc tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ"... Ngoài ra, đơn vị, cơ quan tổ chức vận chuyển hành khách và gây ra tai nạn chết người thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông mà có lỗi thì người này cũng phải bồi thường thiệt hại. Vấn đề trách nhiệm hình sự nếu có và trách nhiệm dân sự như thế nào sẽ phụ thuộc vào kết quả xác minh của CQĐT đối với vụ việc này.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc thuê, hợp tác với đơn vị vận chuyển học sinh. Trong khi chờ kết quả xác minh về nguyên nhân tai nạn đối với xe đưa đón học sinh, nhà trường và đơn vị vận tải cần phối hợp thăm hỏi, bồi thường, hỗ trợ các gia đình có học sinh bị thương vong nhằm giúp họ giải quyết khó khăn trước mắt.

Cũng theo luật sư Nguyên, điều đáng nói là pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển học sinh, các quy tắc an toàn khi đưa đón học sinh mà chỉ thực hiện theo quy định chung về xe hợp đồng.

Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, Bộ GD&ĐT, Bộ GTVT và các địa phương cần tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc đưa đón học sinh bằng các phương tiện vận tải, đồng thời nhanh chóng ban hành các quy định về dịch vụ vận tải đưa đón học sinh tới trường.

“Đây là một hoạt động vận tải rất đặc thù vì đối tượng hành khách là học sinh, là các em nhỏ còn chưa có kinh nghiệm tham gia giao thông, thiếu kỹ năng sống, rất dễ gặp tai nạn nên cần phải có những quy định cụ thể về phương tiện, về quy tắc tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho các em”, luật sư Nguyên phân tích.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.