Thêm 6.171 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng tạm dừng kinh doanh

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp (DN) tạm dừng kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là 6.171 DN (chiếm 13,7%), số lượng DN xây dựng chờ giải thể là 4.091 DN (chiếm 12,6%). Bên cạnh đó, số lượng DN kinh doanh bất động sản thành lập mới trong 9 tháng đầu năm tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều DA xây dựng phải tạm dừng hoặc chậm tiến độ                                                                                Ảnh: G.B
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều DA xây dựng phải tạm dừng hoặc chậm tiến độ. Ảnh: G.B

Hàng loạt DN lao đao vì dịch Covid-19

Đánh giá từ Quý I đến hết Quý III/2021 của Bộ Tài chính cho thấy, mặc dù trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh từ mấy tháng qua, các DN gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên một số DN bất động sản vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các Cty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề: Có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% DN còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Thống kê cho thấy, hiện tại đã có tới hơn 80% Sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương ngày một cạn kiệt, buộc phải cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.

Mặc dù các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng với tình hình dịch bệnh trong Quý III thì các sàn giao dịch bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Việt Anh nhận định, ảnh hưởng Covid- 19 lần thứ 4 ở Việt Nam rất nghiêm trọng, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ. Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh thành cũng phải tập trung chống dịch làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện.

Hoạt động giao dịch mua, bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận … trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch.

Viễn cảnh không sáng cho nhà phố thương mại

Thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý III/2021 của Bộ Xây dựng cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh, mặt bằng nhà phố thương mại đã đóng cửa nhiều, các trung tâm thương mại phải chấp nhận câu chuyện giảm giá thuê, shophouse ở khu vực trung tâm và các trục đường chính cũng đối mặt với tình trạng đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Giá thuê mặt bằng tiếp tục được điều chỉnh giảm.

Không chỉ "đóng băng" về nguồn cung, thị trường bất động sản bán lẻ ở những đô thị lớn còn chứng kiến đà giảm của giá thuê mặt bằng. Đối với các trung tâm thương mại, giá thuê hiện ghi nhận giảm nhiều nhất tại khu vực tầng một với giá dao động khoảng 5 - 10% so với trước dịch. Tính chung tất cả các tầng thuê thì giá thuê chỉ giảm nhẹ khoảng 2 - 3%. Giá thuê trung bình tầng trệt trung tâm thương mại trong quý III/2021 tại Hà Nội đạt mức 41 USD/m2/tháng (tương đương 943.000 đồng)… Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư trì hoãn việc khai trương, khiến thị trường bất động sản bán lẻ không thể đón nhận thêm nguồn cung mặt bằng trung tâm thương mại mới.

Số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch ước tính vào khoảng 15.067 căn, điều này cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường bất động sản trong Quý III/2021 giảm so với quý trước do một số địa phương lớn phải thực hiện giãn cách kéo dài do dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng tại nhiều tỉnh thành trọng điểm như TP Hà Nội, TP HCM, Bình Dương,…

Nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2021 sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng. Trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.

Theo chuyên gia kinh tế Đỗ Phan Long, ở giai đoạn hiện tại, nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản thì các nhà hoạch định chính sách cần tập trung nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Cùng với đó nghiên cứu, đề xuất bố trí gói tín dụng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công. Cần theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản luôn phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế...

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tính đến 30-9-2021 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 682.594 tỷ đồng (tính đến 30-6-2021 là 672.224 tỷ đồng), cụ thể như sau: Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 168.687 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 38.991 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 28.326 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Gia Bảo

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.