Đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô

Sáng 24-11, phát biểu tham luận tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, tại Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII đã xác định, một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô...

Chú trọng phát triển văn hóa trên cơ sở phát huy truyền thống

Với chủ đề “Đảng bộ Hà Nội quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng”, từ thực tiễn của Thủ đô Hà Nội và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong tham luận, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong chỉ rõ: Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Từ thuở là Thăng Long đến nay, Thủ đô Hà Nội luôn là trung tâm văn hóa của đất nước. Năm 2020, Thủ đô Hà Nội tròn 1010 tuổi, được thế giới biết đến là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì Hoà bình”, “Thành phố Sáng tạo”, nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế quan trọng... Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong xây dựng và phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tham luận tại Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Trong 35 năm đổi mới, Đảng bộ Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, thành phố luôn đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đến nay, trải qua 8 kỳ Đại hội kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xã hội được Đảng bộ Thành phố kế thừa và phát triển qua từng giai đoạn.

Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ (2020-2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững” và xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trên thế giới hiếm có Thủ đô của nước nào kết hợp được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa như Hà Nội. Từ khi trung tâm của vùng đất thiêng “núi Tản - sông Hồng” trở thành kinh đô, hơn một nghìn năm đã trôi qua. Với Thăng Long - Hà Nội, chiều dài của thời gian đã tôn cao bề dày của văn hiến. Đó là những giá trị trân quý mà biết bao thế hệ đã vất vả xây đắp bằng mồ hôi, nước mắt và kiên cường bảo vệ bằng xương máu. Để hôm nay, Hà Nội - Thành phố “Rồng bay”, “nơi lắng hồi núi sông”, “nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa” những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 Di sản văn hóa thế giới, 1.793 các di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 03 Di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 01 Di sản Tư liệu thế giới và 1.350 làng nghề, làng có nghề; đặc biệt, Hà Nội đang là một trong những thành phố có cơ cấu dân số vàng (với 51,7% dân số trẻ)...

Thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển văn hóa

Theo Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, Thành phố Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ 6 nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá.

Trọng tâm là nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền của Thành phố. Đồng thời, thấu suốt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển vừa đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vừa thúc đẩy và đặt đúng vai trò chủ thể của người dân, các cơ quan, tổ chức, người thực hành văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa; khẳng định con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển của Thủ đô.

Đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; đồng thời, đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo”- Một động lực mới, thương hiệu mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận năm 2019, gắn với mục tiêu phát triển Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung điều chỉnh Quy hoạch và chiến lược phát triển văn hóa Hà Nội phù hợp với giai đoạn phát triển mới; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - 1 trong 2 Nghị quyết Chuyên đề quan trọng được Thành ủy (khóa XVII) xác định, gắn với phát triển thị trường văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Coi trọng xây dựng, thực hành văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII, XIII)... Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện 02 Quy tắc ứng xử của Thành phố; khuyến khích xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân mang bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội; thúc đẩy đưa các mô hình văn hóa gia đình, cộng đồng, trường học, nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đi vào thực chất, có hiệu quả, tạo sức lan tỏa xã hội cao.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo bao phủ và sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở; khuyến khích phát triển, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo của cộng đồng; đầu tư kiến tạo các công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô thời kỳ mới… Phát triển đồng đều và từng bước thu hẹp khoảng cách về thụ hưởng văn hóa, tinh thần giữa các vùng, địa phương, các giai tầng xã hội trên địa bàn của Thành phố.

Tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, con người Hà Nội nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có khát vọng đổi mới sáng tạo, có ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác văn hóa từ Thành phố tới cơ sở; hoàn thiện chính sách về trọng dụng, phát huy nhân tài; tuyển chọn đào tạo và gửi đào tạo ở các quốc gia tiên tiến nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, văn nghệ sỹ giỏi thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài của Thủ đô.

Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô nhằm sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật. Chăm lo phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng; nâng cao chất lượng hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Thành phố. Phát huy trí tuệ, tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô. Có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ…và khuyến khích trao truyền, sáng tạo các giá trị văn hóa truyền thống. Phối hợp, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ của Trung ương trên địa bàn Thành phố.

Đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Phát huy tối đa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; những “thương hiệu” quốc tế được vinh danh: “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; cùng với tinh thần chủ động và sáng tạo trong hội nhập quốc tế về văn hóa để đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế. Triển khai xây dựng mạng lưới “Sáng kiến Hà Nội” để thu hút, tập hợp, phát huy tâm huyết, trí tuệ và tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, doanh nhân, cộng đồng… ở trong nước cũng như quốc tế tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế tham gia phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.

“Trong giai đoạn phát triển mới, Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ; song khó khăn, thử thách là không nhỏ. Để hoàn thành trọng trách nặng nề và vẻ vang ấy, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, xác định phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, sáng tạo, vừa phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những cơ hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là nguồn lực từ niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí, ý chí và khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển nhanh, bền vững Thủ đô” - Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước”, Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các địa phương, bạn bè trong và ngoài nước. Hà Nội mong muốn và đề nghị Trung ương cho chủ trương, Quốc hội sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tạo thể chế, môi trường thuận lợi để Hà Nội phát huy hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực rất quan trọng là văn hóa và con người Thủ đô, nhằm tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, để Hà Nội hòa nhịp cùng cả nước, chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.

Tấn Long - Tiên Loan

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.