Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021:

Kỳ cuối: Văn nghệ sĩ Việt nỗ lực hết mình, tận hiến tài năng và tâm sức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Cách đây 75 năm, ngày 24-11-1946, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở Nhà hát lớn (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh cao cả của văn hóa là: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".
Kỳ cuối: Văn, nghệ sĩ Việt sẽ nỗ lực hết mình, tận hiến tài năng và tâm sức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021

Đến năm 1951, trong Thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. 70 năm qua, 19 chữ vàng ấy đã trở thành nguồn động viên, thôi thúc lớp lớp văn nghệ sĩ rời bỏ “tháp ngà”, hòa mình cùng Nhân dân đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thấm nhuần lợi dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ văn, nghệ sĩ, trí thức Việt Nam đã không ngừng sáng tạo hàng nghìn tác phẩm chất lượng, trong đó có nhiều tác phẩm thực sự trở thành những tác phẩm kinh điển, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tác động mạnh mẽ vào nhận thức và thay đổi hành động của Nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo tiếng vang trong nước và quốc tế. Đó mãi là niềm tự hào, là động lực nhân lên tinh thần yêu nước, yêu đồng bào cho bao thế hệ người Việt.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sĩ là nặng nề nhưng rất vẻ vang. Các thế hệ văn nghệ sĩ - trí thức Việt Nam luôn trung thành với đường lối của Đảng, dưới ánh sáng của Luận cứ Hồ Chí Minh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", văn, nghệ sĩ Việt Nam với tư cách là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng luôn đồng hành cùng dân tộc, sẽ nỗ lực hết mình, tận hiến tài năng và tâm sức, đổi mới sáng tạo không ngừng vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển bền vững đất nước.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nền văn hóa, văn nghệ vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới. Thách thức lớn nhất chính là cuộc lột xác, đổi mới bản thân để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại, không bị chệch hướng, đặc biệt là trong sự diễn biến phức tạp của cơ chế thị trường.

NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết trong những năm qua, văn, nghệ sĩ luôn luôn song hành cùng sự phát triển của đất nước. Trước đây, văn học nghệ thuật đã có những thời kỳ hoàng kim với đội ngũ sáng tạo được đào tạo rất bài bản ở các nước phát triển. Nhờ đó, lĩnh vực văn học nghệ thuật đã có rất nhiều thành tựu nổi bật. Các tác giả đã nỗ lực sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng cao, tuyên truyền hiệu quả những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 chính là dịp để đất nước ta có cái nhìn tổng quát về văn hóa, trong đó có nền văn hóa Hà Nội nói riêng cũng như văn hóa nghệ thuật của cả nước nói chung. Đây cũng là cơ hội để các văn nghệ sĩ bày tỏ tiếng nói của mình, đóng góp ý kiến cho sự phát triển của nền văn hóa nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo NSND Trung Hiếu, văn hóa là nội sinh của giá trị tinh thần con người. Một dân tộc cần phải giữ gìn giá trị đó thì mới có bản sắc của mình. Với tư cách là Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, đơn vị văn hóa nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội, NSND Trung Hiếu đang kiến nghị Thành phố và Trung ương cho Nhà hát kịch Hà Nội cùng 6 đơn vị nghệ thuật trực thuộc TP có những cơ chế đặc thù. Bởi, có cơ chế đặc thù cho nghệ thuật, tạo điều kiện cho nghệ sĩ phát triển một cách ổn định thì mới có thể "giữ chân" được những nghệ sĩ tài năng, trong đó có những nghệ sĩ tài năng thiêm bẩm.

Theo NSND Thúy Mùi, các nghệ sĩ luôn luôn mong có được cơ chế chính sách đặc thù trong đào tạo văn nghệ sĩ như trước đây, nhằm đổi mới, phát triển nguồn lực sáng tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội. Cũng nhờ đó, văn nghệ sĩ tiếp cận với những tinh hoa văn hoá, tinh hoa nghệ thuật của các nước phát triển để làm giàu thêm cho nền văn hoá, nghệ thuật cách mạng Việt Nam.

NSND Thúy Mùi chia sẻ thêm khán giả ngày nay không mặn mà với sân khấu mà lý do quan trọng là sự đứt gãy trong đào tạo khán giả. Vì vậy, ngành văn hóa cũng cần quan tâm đào tạo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ để họ hiểu hơn về tinh hoa nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống.

Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ đang có nhiều nỗ lực, đổi mới trong sáng tạo tác phẩm để tiếp cận khán giả dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các nghệ sĩ rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn, đặc biệt là về cơ chế, chính sách của Nhà nước trong tạo nguồn lực, điều kiện thuận lợi hơn cho những người hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Các văn nghệ sĩ cũng đã gửi tâm tư đến Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Hội sẽ có những bày tỏ, đề xuất, kiến nghị cụ thể tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này.

2 năm qua, đất nước ta chiến đấu kiên cường với “kẻ thù vô hình” là Covid-19, mà một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên sức mạnh toàn dân tộc chính là sự đoàn kết, nhân ái. Nhiều nghệ sĩ đã cùng với Đảng, Nhà nước và Nhân dân nhân lên tinh thần tương thân tương ái của dân tộc. Họ cùng nhau san sẻ yêu thương đến những mảnh đời khó khăn do dịch. Những buổi biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu được thay bằng những chuyến xe vội vã, sẵn sàng lao vào tâm dịch để hỗ trợ bà con, trong đó có nghệ sĩ vì nhiễm bệnh mà đã qua đời. Các nghệ sĩ đã góp phần lan tỏa lối sống đẹp đẽ, đề cao sự cống hiến cho đời, cho người.

Bên cạnh đó, các văn, nghệ sĩ còn không ngừng sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật tốt, được đầu tư nghiêm túc nhằm lan tỏa thông điệp chống dịch, động viên đội ngũ tuyến đầu tiếp tục thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, ca ngợi tinh thần đoàn kết một lòng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong cuộc chiến cam go, nhiều thách thức,…

Tinh thần Việt Nam ấy sẽ còn mãi, được giữ gìn, phát huy và tiếp tục được thắp lên trong bất kỳ hoàn cảnh, gian khó nào, như lời bài hát Việt Nam I Love: "Việt Nam tôi đó, ngàn năm sáng tươi, Việt Nam tôi đó, ở trong trái tim..."

Kỳ 2: Khát vọng dân tộc Kỳ 2: Khát vọng dân tộc
Kỳ 1: Những dấu ấn lịch sử Kỳ 1: Những dấu ấn lịch sử

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.