Ý nghĩa cuộc thi viết về người công nhân giai đoạn mới

Đằng sau từng đồng ngoại tệ có được từ nhập khẩu là nhờ sự đóng góp thầm lặng của người công nhân nhà máy. Họ là lực lượng lao động có đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước.
Ý nghĩa cuộc thi viết về người công nhân giai đoạn mới
Hình ảnh nữ công nhân miệt mài sản xuất

Giữa đại dịch Covid-19, đằng sau hình ảnh các dãy nhà trọ san sát là câu chuyện những nữ công nhân không lập gia đình, bà mẹ đơn thân, ước mơ về một ngôi nhà nhỏ.

Đó còn là hình ảnh những gia đình bố mẹ đều là công nhân, con cái phải gửi quê xa để cha mẹ an tâm đi làm giữa mùa dịch.

Giữa tiếng động cơ, máy móc, hàng nghìn hàng hóa chưa thành phẩm là bàn tay, khối óc của sự miệt mài, hăng say lao động.

Đến nay, đề tài về hình ảnh người công nhân chưa được khắc họa nhiều trong các sáng tác văn học. Bởi thế, trong lần đầu tiên phát động cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn được đánh giá là sự kiện văn hóa tiêu biểu, thiết thực.

Cuộc thi được phát động chính thức từ ngày 23-11 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng với Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Lý giải chủ đề cuộc thi viết là “Công nhân, công đoàn với công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao”, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Các thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng hơn 17 triệu lao động. Ranh giới giữa công nhân và nông dân rất gần nhau. Vì hôm nay họ có thể là nông dân, nhưng ngày mai họ lại là công nhân và ngược lại.

Người nông dân bây giờ không đơn thuần chỉ là người “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà giờ đây, nông dân còn là công nhân làm nông nghiệp điều khiển máy móc công nghệ cao.

Công nhân cũng vậy, giờ đây họ không đơn thuần chỉ làm việc trong nhà máy, cầm búa, cầm liềm mà có thể họ còn là nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao.

Ý nghĩa cuộc thi viết về người công nhân giai đoạn mới
Cuộc thi viêt về hình ảnh công nhân giai đoạn mới có tổng giá trị giải thưởng 2,5 tỉ đồng

Theo tiến trình phát triển, mỗi một thời kỳ ghi dấu ấn 1 đối tượng trung tâm của nền văn học khác nhau. Ví dụ trong thời kỳ chiến tranh dấu ấn anh bộ đội; thời kỳ xây dựng đất nước có hình ảnh anh xã đội trưởng; khi đất nước đổi mới có hình ảnh người nông dân... Riêng vấn đề công nhân, các tác phẩm văn học chưa khắc họa được nhiều vì thế đây là cơ hội để các nhà văn thể hiện.

Đối tượng tham gia cuộc thi là công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động.

Mục đích của cuộc thi nhằm tôn vinh lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, về vai trò hoạt động thiết thực hiệu quả của tổ chức công đoàn, góp phần phát triển văn hóa đọc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các bộ công đoàn, người lao động.

Cuộc thi viết “Công nhân, công đoàn với công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao”,là hoạt động thiết thực, cụ thể triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02- NQ/TW, ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về “đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Đồng thời, cuộc thi là hoạt động văn hóa tiêu biểu triển khai tinh thần, nhiệm vụ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Bên cạnh sức hút về đề tài, chủ đề mới, cuộc thi còn có giá trị giải thưởng “khủng”. Đối với truyện ngắn, kinh phí trao giải là 860 triệu đồng, trong đó, giải đặc biệt là 200 triệu đồng, giải nhất là 150 triệu đồng.

Đối với thể loại tiểu thuyết có 14 giải, trong đó giải đặc biệt lên tới 400 triệu đồng, giải nhất trị giá 300 triệu đồng.

Ngoài các giải chính, ban tổ chức còn trao các giải phụ. Tổng kinh phí giải thưởng khoảng 2,5 tỉ đồng, được lấy từ nguồn xã hội hóa.

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.