Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021:

Kỳ 2: Khát vọng dân tộc

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, chúng ta phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, sáng tạo và có khát vọng xây dựng đất nước.
Kỳ 2: Khát vọng dân tộc
Một tiết mục văn nghệ của chương trình "Niềm tin và khát vọng", chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nội dung trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa... Từ đó, chúng ta có cơ hội nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới đã có những thành tựu gì và đang tồn tại khó khăn, yếu kém nào?

Hội nghị cũng là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Qua hội nghị, các cơ quan sẽ rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, để có nhận thức đúng đắn với yêu cầu đặt ra là "xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường".

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, chúng ta phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, sáng tạo và có khát vọng xây dựng đất nước.

Hội nghị lần này sẽ dành thời gian để Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quán triệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ chiến lược này đặt ra là nâng cao nhận thức của người dân về phát triển văn hóa. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ rà soát các quy định, phát hiện điểm nghẽn để bổ sung, hoàn thiện theo cách tiếp cận xây dựng luật không chỉ là công cụ quản lý mà còn tạo ra động lực phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị văn hóa lần thứ nhất nên được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Làm sao để văn hóa thực sự được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế và xã hội?

Trong chương trình "Không gian văn hóa nghệ thuật" mới đây, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, điều kỳ vọng lớn nhất của ông tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc là quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối tư tưởng của Đảng ta về văn hóa, làm sao để văn hóa thực sự được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế và xã hội.

Điều thứ 2 là cùng với hệ thống Nghị quyết, Chỉ thị và kết luận của Đảng về văn hóa, ông mong Nhà nước thể chế hóa bằng các pháp luật chính sách và đặc biệt là nguồn lực. Điểm thứ 3 là chúng ta cần tạo dựng đội ngũ cán bộ làm văn hóa vừa có đức vừa có tài, có kinh nghiệm. Điểm cuối là chúng ta có đầu tư cho văn hóa và con người một cách thỏa đáng. Để sự phát triển của đất nước bền vững, từ đó chúng ta có tâm thế, chương trình hành động đầy đủ và bản lĩnh hướng về phía trước.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc như một động lực phát triển của cả đất nước không riêng gì văn hóa. Ông tin sau Hội nghị này sẽ có sự chuyển động mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của đất nước nói riêng và đời sống xã hội nói chung.

"Trước hết, có chính sách, cơ chế ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp để phát huy tiềm năng của văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, những chính sách sẽ được đưa vào thực tế. Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ đem đến sức mạnh để đất nước phát triển, xã hội hạnh phúc. Việt Nam mạnh về kinh tế, đẹp về văn hóa", nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh

Theo PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 là một sự kiện chính trị quan trọng triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, đồng thời, còn là sự kiện văn hóa lớn của đất nước, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp văn hóa, xây dựng con người toàn diện, phát triển xã hội bền vững. Hội nghị chính là niềm cảm hứng lớn cho giới văn, nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, cho ra đời những tác phảm, công trình có giá trị phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh 35 năm đổi mới, giới văn học nghệ thuật đã lao động sáng tạo, cho ra đời hàng nghìn tác phẩm có giá trị, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần xây dựng, bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ, giữ gìn truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc; động viên, cổ vũ Nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Vì vậy, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với công chúng hiện nay.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phân tích thêm, trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nền văn hóa, văn nghệ vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới. Thách thức lớn nhất chính là cuộc lột xác, đổi mới bản thân để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại, không bị chệch hướng, đặc biệt là trong sự diễn biến phức tạp của cơ chế thị trường.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện, với những bước thăng trầm đáng ghi nhớ và những bài học bổ ích đáng suy ngẫm được rút ra.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kỳ vọng vào những kết quả của Hội nghị, những đóng góp của giới văn nghệ sĩ, trí thức để biến những ước mơ thành hiện thực. Cùng với đó là cụ thể hóa những chủ trương, chính sách, quyết định của Đảng và Nhà nước về văn hóa nghệ thuật; thúc đẩy quá trình xây dựng nền công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa Việt Nam ngang tầm kinh tế và chính trị, hội nhập sâu rộng quốc tế trong thời đại số.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Những dấu ấn lịch sử

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.