Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021:

Phân tích các giải pháp nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa. Đặc biệt, hội nghị lần này diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất...
Phân tích các giải pháp nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Ảnh tư liệu

600 đại biểu sẽ tham dự hội nghị tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành; văn nghệ sĩ và đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội... Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và có thể mở rộng đến tận các xã, phường, thị trấn.

Cách đây 75 năm, ngày 24-11-1946, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Hơn 200 nhà hoạt động văn hoá đại diện cho phong trào văn hoá toàn quốc và đại diện Chính phủ, Uỷ ban Thường trực Quốc hội đã đến dự.

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hoá Việt Nam "hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng".

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay, nội dung trọng tâm xuyên suốt của hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa... Chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới đã có những thành tựu gì và đang tồn tại khó khăn, yếu kém nào?!

Qua hội nghị, các cơ quan sẽ rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, để có nhận thức đúng đắn với yêu cầu đặt ra là “xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường”.

Chúng ta phải xác lập để xây dựng hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm xuyên suốt là xây dựng cho được một môi trường văn hóa, tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân.

Sau hội nghị, chúng ta phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, sáng tạo và có khát vọng xây dựng đất nước.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Hội nghị lần này sẽ dành thời gian để Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch quán triệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ chiến lược này đặt ra là nâng cao nhận thức của người dân về phát triển văn hóa. Bộ sẽ rà soát các quy định, phát hiện điểm nghẽn để bổ sung, hoàn thiện theo cách tiếp cận xây dựng luật không chỉ là công cụ quản lý mà còn tạo ra động lực phát triển.

Được biết, mục tiêu hướng tới của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 là xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra trong bối cảnh nhiều vấn đề về văn hóa “đã bộc lộ nhưng chưa tìm ra nguyên nhân và giải pháp”. Vì vậy, rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa mong muốn các đại biểu sẽ dành thời gian để phân tích, đi sâu vào các vấn đề như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững;

Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù;

Xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước; Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.