Xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Đã cố gắng nhưng chưa phát hiện được sai phạm?

Chiều 23-11, HĐXX của TAND TP Hà Nội chuyển sang phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Đã cố gắng nhưng chưa phát hiện được sai phạm?
Đại diện VKSND tại toà

Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào, cựu Phó Giám đốc Tổng Cty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở các giai đoạn 2015-2017 và 2017-2018, bị cáo buộc vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, bị cáo Hùng đã không tổ chức việc nghiệm thu cơ sở sau khi thi công xong lớp đất nền K98, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng các hạng mục công trình; để một số nhà thầu tự chuyển công nghệ thi công VTO sang công nghệ Novachip đối với lớp bê tông nhựa tạo nhám khi chưa nghiên cứu, thử nghiệm.

Ngày 18-5-2016, Bộ Giao thông- Vận tải (Bộ GT-VT) có Văn bản số 1328, cảnh báo về chất lượng kém đối với nguồn vật liệu đá của các mỏ đá tại khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam. Nhưng bị cáo Hùng không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra đánh giá, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng.

Theo kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu thuộc giai đoạn I của dự án (đoạn đường 65km từ TP Đà Nẵng – TP Tam Kỳ, Quảng Ngãi) không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.

Dù giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án.

Tại toà, bị cáo Hùng khai, nhận được văn bản khuyến cáo của Bộ GT-VT. Sau đó, bị cáo chuyển văn bản cho BQL dự án và thường xuyên nhắc nhở. Bị cáo cho rằng, vật liệu đá do nhà thầu chuẩn bị nên phải chịu trách nhiệm chất lượng.

Đã cố gắng nhưng chưa phát hiện được sai phạm?
Các bị cáo nghe đại diện VKSND nêu cáo buộc

Thừa nhận có trách nhiệm về chất lượng công trình nhưng bị cáo Hùng cho rằng, có “trách nhiệm gián tiếp, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát”. Lỗi của bị cáo là dù đã cố gắng nhưng chưa phát hiện được sai phạm.

Bị cáo đề nghị xem xét lại hành vi chuyển công nghệ thi công VTO sang Novachip được thực hiện sau khi bị cáo không còn phụ trách dự án.

Trong khi đó, bị cáo Lê Quang Hào trình bày, thời gian bị cáo phụ trách dự án, phần lề đường đã xong còn công tác nghiệm thu mặt đường đã chuyển sang giai đoạn thi công. Trên thực tế, mặt đường thi công xong. Bị cáo cho rằng, theo hợp đồng, nhà thầu được thi công theo công nghệ Novachip.

Trả lời về kết luận giám định thể hiện toàn bộ công trình hư hỏng, kém chất lượng nghiêm trọng, bị cáo Hào nói “lúc xem kết luận thấy giật mình”. Còn bị cáo Hoàng Việt Hưng, Giám đốc BQL dự án, khai rằng, biết rõ văn bản cảnh báo của Bộ GT-VT.

Như lời bị cáo, văn bản của Bộ GT-VT không nói chất lượng mỏ đá xấu. Thực tế ở miền Trung, đó là các mỏ đá tốt nhất. Các công trình đều sử dụng mỏ đá này. Sau khi nhận được văn bản, bị cáo đã họp các vị trí chủ chốt các nhà thầu, yêu cầu các đơn vị tập trung quản lý chất lượng đá đầu vào. Với kinh nghiệm làm việc bao năm, bị cáo thấy kết luận giám định “có nhiều vấn đề”.

Hưng khai nhận, đặc thù công trình giao thông không giống công trình khác. Trong hợp đồng cho phép trong thời gian bảo hành công trình có thể sửa chữa khiếm khuyết.

Xét xử 36 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi Xét xử 36 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Nhật Nam

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.