Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021:

Kỳ 1: Những dấu ấn lịch sử

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức vào ngày 24-11-2021 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 75 năm qua, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị.
Kỳ 1: Những dấu ấn lịch sử
Bác Hồ với các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu, 1969. Ảnh tư liệu

Cách đây 75 năm, ngày 24-11-1946, Hội nghị Văn hóa toàn Quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Hội nghị. Người chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, tự chủ. Văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới với ba tính chất: Dân tộc, khoa học và đại chúng.

Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thêm rằng văn hóa có liên lạc với chính trị là rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa thấm sâu vào trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ. văn hóa phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích cá nhân. Người khẳng định số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, phong trào kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành một cuộc cách mạng mở rộng. Đảng ta đã xác định vai trò nhiệm vụ to lớn của văn hóa lúc này là phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quan tâm sâu sát đến lĩnh vực văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp viết nhiều bài đăng trên tờ Sự thật với các bút danh: C.B.X.Y.Z.A.G. Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp làm Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương kiêm Tổng biên tập tờ Sự thật.

Mùa xuân năm 1948, Đảng ta phát động phong trào thi đua ái quốc. Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Sau đó, nhiều Hội nghị thi đua ái quốc đã được triển khai ở các ngành, các giới, các cấp, từ Trung ương xuống địa phương.

Hơn một tháng sau, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai (từ ngày 16 đến 20-7-1948) do Đảng ta chỉ đạo, được tổ chức tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống Pháp.

Đây cũng là Hội nghị Thi đua ái quốc của trí thức, các văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 16-7-1948, trong thư gửi Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên và kêu gọi tri thức, các nhà hoạt động văn hoá văn nghệ tích cực tham gia đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, trong phong trào thi đua ái quốc của toàn dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi, chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, tôi thiết tưởng, các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng".

Người cũng chỉ rõ: “Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của Nhân dân, mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết. Các nhà văn hoá ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho con cháu đời sau”.

Ngày 18-7-1948, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng trình bày báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam”. Đây là văn kiện hoàn chỉnh đầu tiên của Đảng ta về trí thức và văn hoá văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến 9 năm (1945-1954).

Theo đó, báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam” được tập trung vào ba ý tưởng. Thứ nhất là ý tưởng tuyên truyền chủ nghĩa Mác vào Việt Nam. Thứ hai là ý tưởng xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ mới của nước nhà. Thứ ba là ý tưởng xây dựng nền văn hoá văn nghệ Việt Nam mới, cùng đồng nghĩa với xây dựng nền văn hiến mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Báo cáo đã trình bày kỹ quan điểm chủ nghĩa Mác về văn hoá và khái quát lập trường văn hoá mác xít của Đảng ta, của tri thức văn nghệ sĩ mới nước ta, trong cách mạng dân tộc dân chủ và cả thời kỳ cách mạng XHCN sau này.

Đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh muốn hoàn thành nhiệm vụ chính trị - văn hoá trong kháng chiến kiến quốc, để xây dựng nền văn hoá Việt Nam mang tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, cần có người trí thức, tổ chức, văn hoá văn nghệ mới.

Thái độ của người trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam mới là: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với kháng chiến; không thoả hiệp với tư tưởng và văn hoá phản động, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan; yêu khoa học, lấy khoa học Mác xít làm kim chỉ nam cho hành động, biết và làm đi đôi, lý luận và thực tiễn kết hợp; một lòng một dạ phục vụ Nhân dân; gần gũi quần chúng công, nông, binh, cảm thông với quần chúng, học hỏi Nhân dân, nhưng giáo dục, dìu dắt Nhân dân.

Đó là thái độ chân chính của các chiến sĩ văn hoá mới chúng ta, và cũng là bí quyết thành công của chúng ta.

Với lập trường văn hoá và thái độ tình cảm mới, các nhà văn hoá, trí thức, văn nghệ sĩ, gắn bó với nhau trong tổ chức thống nhất của Mặt trận dân tộc thống nhất của Tổ quốc, do Đảng lãnh đạo, tham gia kháng chiến, kiến quốc, thi đua ái quốc.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 3 ngày, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được tổ chức từ ngày 23 đến 25-7-1948. Hơn 80 văn nghệ sĩ đại biểu của các ngành văn học, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật từ các nẻo đường kháng chiến đã về dự.

Tại sự kiện quan trọng này, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập, là sự tiếp nối tốt đẹp Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập năm 1943 và là tiền thân của Ủy ban Toàn quốc các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày nay.

Đồng chí Trường Chinh lúc bấy giờ là Tổng Bí thư của Đảng, Trưởng Ban Tuyên truyền của Trung ương, trong đó có Tiểu ban Văn nghệ. Đồng chí cũng là Tổng biên tập tờ báo Sự Thật - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng lúc bấy giờ.

Đồng chí Tố Hữu được Trung ương giao trực tiếp tổ chức chỉ đạo công tác văn nghệ. Công tác trong Tiểu ban Văn nghệ có các đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Hải Triều, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Nguyễn Sơn…

Sau Hội nghị, các văn nghệ sĩ nô nức đi vào cuộc kháng chiến với khẩu hiệu “Cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt...”.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Hội Văn nghệ Việt Nam, Ủy ban Toàn quốc các Văn học Nghệ thuật Việt Nam, trong 60 năm phát triển, trưởng thành đã kiên định, nhất quán thực hiện ba quyết tâm chiến lược tư tưởng văn hoá của Đảng ta là: Quyết tâm bảo vệ, phát triển, truyền bá những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tư tưởng văn hoá của đất nước; quyết tâm xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ có đức, có tài, đồng bộ, của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp dựng nước, giữ nước; quyết tâm xây dựng nền văn hoá văn nghệ mới Việt Nam, dân tộc khoa học, đại chúng, tiên tiến, hiện đại dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và CNXH.

(Còn nữa)

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.