Hà Nội: Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL:

Bài cuối: Không chỉ là vấn đề thích ứng hoàn cảnh dịch bệnh

Nhận định từ hầu hết các đơn vị cơ sở cho thấy, trong thời gian thích ứng với dịch bệnh, cả các giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội diện rộng, việc TTPBGDPL qua CNTT đã đem đến nhiều hiệu quả tích cực. Trên thực tế, đây là hình thức cần đẩy mạnh, ứng dụng diện rộng, là xu hướng chung chứ không là giải pháp tình thế.
Ứng dụng CNTT trong TTPBGDPL đặc biệt phù hợp và có hiệu quả trong bối cảnh thích ứng dịch bệnh
Ứng dụng CNTT trong TTPBGDPL đặc biệt phù hợp và có hiệu quả trong bối cảnh thích ứng dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, Trang thông tin điện tử PBGDPL của TP đã phát huy thế mạnh, đẩy mạnh, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP về phòng, chống dịch Covid-19, các văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác PBGDPL, lập pano tuyên truyền các quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm phòng, chống dịch, kết nối trang thông tin của Sở y tế để thường xuyên cập nhập tình hình phòng, chống dịch, thường xuyên đăng tin, bài viết giải đáp pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch và các lĩnh vực khác tập trung những chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm bức xúc trong dư luận, những vấn đề pháp luật mà dư luận quan tâm.

Theo đánh giá của huyện Mỹ Đức: Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả cả trong thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, trong đó phải kể đến hình thức tổ chức phát động các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến.

Còn tại huyện Thanh Oai, Cổng thông tin điện tử huyện đã đăng tải đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương, địa phương ban hành; các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; đăng tải các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức lấy ý kiến theo quy định của pháp luật, các văn bản về phòng chống hàng giả, hàng nhái, vệ an toàn sinh thực phẩm… phản ánh, đưa tin hoạt động thi hành pháp luật.

Riêng với các nội dung thông tin liên quan đến dịch Covid-19 như quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ quan, đơn vị, địa phương được các cơ quan, đơn vị cập nhật hàng ngày, hàng giờ…

Bà Nguyễn Phương Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú La, quận Hà Đông cho biết: Trong bối cảnh thích ứng với dịch bệnh, việc song song các hình thức TTPBGDPL rất có ý nghĩa. Công tác tuyên truyền của trên địa bàn phường đang rất hiệu quả với hệ thống loa cố định, loa di động, loa kéo tại từng tổ dân phố. Đáng nói nhất là việc tuyên truyền qua các trang mạng thông tin xã hội, cổng thông tin của phường cũng được đẩy mạnh với lượt tương tác cao.

Thực hiện Đề án của UBND TP “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021”, đã có 15/34 đơn vị cấp Thành phố, 20/30 quận, huyện kết nối với Trang thông tin điện tử PBGDPL của TP, 15/34 đơn vị cấp TP, 28/30 quận, huyện, thị xã xây dựng chuyên mục PBGDPL trên Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL. TP cũng đã tiến hành khảo sát đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL cho đối tượng là cán bộ làm công tác PBGDPL, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT vẫn còn những hạn chế, bất cập. Cụ thể như: Nguồn tài liệu tuyên truyền, phổ biến dưới dạng hình ảnh, Infographic còn hạn chế; đội ngũ làm công tác PBGDPL chưa được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin để ứng dụng, thiết kế các nội dung dưới dạng hình ảnh, chủ yếu sử dụng nguồn tài liệu từ các trang thông tin điện tử khác nhau; chưa khai thác, tổ chức sử dụng và ứng dụng mạnh mẽ các hình thức PBGDPL thông qua các phần mềm, hình thức khác như: Diễn đàn trao đổi trực tuyến; thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; tư vấn, hỏi đáp pháp luật trực tuyến…

Thời gian tới, TP sẽ có những kế hoạch biện pháp cụ thể, lâu dài, đầu tư trang thiết bị cần thiết; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về ứng dụng CNTT trong tuyên truyền PBGDPL cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật cơ sở và cán bộ tư pháp. Thực hiện tốt việc quản lý, khai thác, vận hành Trang Thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Thành phố và Trang/cổng thông tin điện tử các sở, ban, ngành, các cấp.

Tiếp tục đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với yêu cầu hiện nay để từng bước đẩy nhanh, hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong PBGDPL trên địa bàn TP.

Đặc biệt, đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương Hà Nội yêu cầu, các đơn vị phải tăng cường kết nối, chia sẻ, mở các chuyên mục tìm hiểu pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tăng cường, khuyến khích cán bộ và người dân tìm hiểu thông tin pháp luật trên các kênh truyền hình pháp luật; các diễn đàn trực tuyến, nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, PBGDPL phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn.

Khi tỷ lệ người dân trên địa bàn TP sử dụng điện thoại thông minh, có kết nối internet ngày càng tăng, việc ứng dụng CNTT trong PBGDPL càng lại phải được cải tiến, sáng tạo thường xuyên, liên tục, nhưng vẫn phải được triển khai bài bản, khoa học. Và việc ứng dụng CNTT phải làm đồng bộ đến các đơn vị cơ sở, các ngành… chứ không chỉ là giải pháp tình thế khi thích ứng dịch bệnh.

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.