Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL của Hà Nội

Kỳ 1: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và tiếp cận pháp luật

Tổng kết Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tại Hà Nội, bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.
Hà Nội ứng dụng hiệu quả CNTT vào TTPBGDPL
Hà Nội ứng dụng hiệu quả CNTT vào tuyên truyền PBGDPL

Thực hiện Đề án về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021”, đến nay nhiều cơ quan, đơn vị, sở ngành, cơ quan, địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai PBGDPL qua mạng xã hội; tạo các trang thông tin về pháp luật; xây dựng tủ sách pháp luật điện tử, có sự tư vấn, phối hợp của các phòng, ban chuyên môn.

Nhờ ứng dụng CNTT, việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật qua các trang thông tin điện tử, đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp luật trực tuyến; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã và đang phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí. Qua đó, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, người dân trong quá trình tiếp cận thông tin pháp luật.

Theo cáo cáo của Sở Tư pháp TP Hà Nội, nửa đầu năm 2021, Hà Nội đã có 558/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,37% (cao hơn năm 2019: 546/584: đạt tỷ lệ 93,5%). Tại các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, việc ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, PBGDPL đã giúp mở rộng đối tượng tiếp nhận và nội dung tuyên truyền, tạo thuận lợi cho người dân trong việc nắm bắt các chính sách pháp luật mới.

Tại huyện Mỹ Đức, xác định: Đổi mới nội dung, hình thức thức PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ CNTT là nhiệm vụ quan trọng. Công tác PBGDPL trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Nội dung, hình thức PBGDPL đã có sự đổi mới, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn, trong đó, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL đã từng bước được chú trọng triển khai và đạt được kết quả.

Như trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 mặc dù số cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp giảm nhưng số tài liệu pháp luật được phát miễn phí cho người dân trên địa bàn huyện tăng mạnh. Cùng với đó ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền được chú trọng, các văn bản pháp luật, thông tin được công khai trên Cổng thông tin điện tử của huyện bảo đảm tính chính xác, đầy đủ thông tin pháp luật tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các thông tin về pháp luật. Các hình thức hội nghị trực tuyến được triển khai trên toàn huyện, các thông tin tuyên truyền được phát thường xuyên trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở.

Tại quận Nam Từ Liêm, bên cạnh các hình thức TTPBGDPL truyền thống, quận cũng chú trọng ứng dụng CNTT đẻ tăng các kênh tương tác, tăng kênh tiếp cận, hình thức tiếp cận pháp luật cho người dân. Nội dung của TTPBGDPL dựa trên nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, tăng cường đối thoại, trao đổi bằng hình thức trực tuyến, nội dung các văn bản được truyển tải qua trực tuyến.

Còn tại quận Tây Hồ, Hội đồng PBGDPL quận đẩy mạnh công tác PBGDPL trong nhà trường về cả hình thức và nội dung gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Các hoạt động tuyên truyền Ngày pháp luật Việt Nam 9-11-2021 tại cơ quan, đơn vị được đẩy mạnh, lồng ghép trong các buổi họp, sinh hoạt của Chi bộ, đơn vị…

Theo đồng chí Lê Trung Đức - Chủ tịch Hội Luật gia quận, Hội đồng PBGDPL quận đã chủ động triển khai các hình thức tuyên truyền PBGDPL linh hoạt, ứng dụng hiệu quả nền tảng số, mạng xã hội đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 như hệ thống Zalo, facebook… góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn.

Theo đánh giá, Hà Nội có những giải pháp ứng dụng hiệu quả các sản phẩm CNTT vào TTPBGDPL qua nhiều hình thức, trong đó có các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, như: Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi”; Cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng chống tham nhũng”; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường”; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19”...

Hà Nội cũng đã chỉ đạo thí điểm mô hình “Cầu thang pháp luật” bằng hình thức video tại 2 đơn vị Cầu Giấy, quận Thanh Xuân. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình này triển khai rất phù hợp với việc tuyên truyền qua thiết bị điện tử trong khu đô thị, khu chung cư hoặc những nơi có lắp đặt thiết bị tại địa điểm công cộng. Thành phố đang tiếp tục triển khai thí điểm mô hình tuyên truyền pháp luật qua thiết bị điện tử theo hình thức inforghapic theo chủ đề giao thông, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phòng, chống tác hại của rượu bia..

Trong bối cảnh hơn hai năm qua ứng biến với dịch bệnh, điều kiện tiếp cận thông tin online tăng nhanh, nhất là ở môi trường người dùng internet ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng mạnh người sử dụng, việc ứng dụng CNTT trong TTPBGDPL đã gia tăng hiệu quả tiếp cận pháp luật cho người dân và là hướng đi đúng với xu thế tiếp cận thông tin về các vấn đề chung cũng như pháp luật nói riêng của Nhân dân hiện nay.

(Còn nữa)

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.