Vấn nạn “sim rác” và các hệ lụy tiêu cực

Khái niệm về “sim rác” hiện nay không rõ ràng. Thực chất, đây là cách nói truyền miệng mà người dân và xã hội đề cập đến tình trạng mua bán sim có thông tin đăng ký không đúng quy định (có thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác). Trên thực tế, “sim rác” thường được phản ảnh liên quan đến các hệ lụy tiêu cực như tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác làm phiền người được gọi đến.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi cũng như nhiều người dân khác thường xuyên nhận được những cuộc gọi, nhắn tin từ các “sim rác”. Nội dung nhắn tin thường là quảng cáo sản phẩm nào đó, thậm chí, có những người nhận được tin nhắn đe dọa, xúc phạm, vu cáo từ “sim rác”. Dù rất bức xúc, nhưng người dân không có cách nào xử lý ngoài hình thức “chặn số”.

Năm 2021, tình hình “sim rác” đang có dấu hiệu phức tạp trở lại. Vừa qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vụ việc 14 người tại tỉnh Yên Bái đột nhiên vướng vòng lao lý vì bị cho là nằm trong đường dây phạm tội có tổ chức. Vụ việc liên quan đến vụ án “dịch vụ cho thuê sim online”.

Cụ thể, CQ CSĐT (PC02) CA tỉnh Yên Bái ra Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 19/KLĐT-CSHS đồng thời chuyển cho VKSND tỉnh Yên Bái đề nghị truy tố 2 bị can Nguyễn Trung Tính (SN 2001, trú tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) và Lý Trọng Thiên (SN 2001, trú tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) về tội: “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự.

Trong quá trình mở rộng vụ án, Phòng CSHS, CA tỉnh Yên Bái tiếp tục ban hành bản kết luận điều tra (bổ sung) vụ án "Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông"; chuyển hồ sơ đến VKSND tỉnh Yên Bái, đề nghị truy tố 14 bị can là những người làm dịch vụ cho thuê sim online về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.

Cục Viễn thông cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, các trường hợp mua bán, sử dụng sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ để sử dụng cho bất kỳ mục đích gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này được quy định tại điểm c khoản 11 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP “Nghiêm cấm hành vi mua bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước”.

Khoản 7 Điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng đã quy định chế tài “Phạt tiền từ 30– 40 triệu đồng” đối với hành vi: “Bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”.

Thiết nghĩ, để “dẹp” vấn nạn “sim rác”, trong thời gian tới, Bộ TT&TT cần kết nối với CSDL quốc gia về dân cư của Bộ Công an để đối soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao. Theo đó, sim chỉ được kích hoạt khi nhận dạng chính xác danh tính khách hàng.

Người dân cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đăng ký thông tin thuê bao, chủ động thực hiện việc kiểm tra, hủy bỏ các sim đã đăng ký trước đây nhưng không dùng nữa, hoặc thực hiện cập nhật, đăng ký lại thông tin thuê bao để bảo đảm quyền lợi của chính bản thân mình và xã hội (đặc biệt là trong trường hợp bị các đối tượng sử dụng các sim có thông tin của bản thân vào các hành vi vi phạm pháp luật). Tôi tin rằng, cùng với sự phối hợp của cơ quan chức năng, các nhà mạng và ý thức của người dân, vấn nạn “sim rác” sẽ sớm được dẹp bỏ.

Tường Vy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.