Phát triển nhà ở cho công nhân: Cần có cơ chế, giải pháp cụ thể

Việt Nam hiện có trên 16 triệu công nhân, chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp còn thiếu, nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội như: nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám… chưa được đầu tư, xây dựng.
Phát triển nhà ở cho công nhân: Cần có cơ chế, giải pháp cụ thể
Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở công nhân cho các ngân hàng thương mại thay cho ngân hàng chính sách thì việc sử dụng vốn sẽ được hiệu quả hơn

Chính sách để thực hiện còn nhiều vướng mắc

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, TP, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của các DN, từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, các khu công nghiệp chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các DN thuê để tổ chức sản xuất, chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu, nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám… chưa được đầu tư, xây dựng.

Vấn đề đặt ra là người lao động tại các khu công nghiệp cần được đảm bảo về phúc lợi xã hội, cần được chăm lo đời sống tinh thần, có việc làm bền vững để họ yên tâm gắn bó với DN.

Ngược lại, DN cần người lao động phải làm việc với năng suất lao động hiệu quả, thực hiện tốt kỷ luật, nội quy lao động, gắn bó lâu dài… thì DN mới ổn định sản xuất kinh doanh. Đây là mối quan hệ có tính gắn bó mật thiết, hai chiều và tác động qua lại.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 đã đặt DN vào tình thế khó khăn. Đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại, gây tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Thực tế, tại các khu công nghiệp cũng đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn.

Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách để thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, còn độ vênh giữa quy định pháp luật với thực tiễn để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở này.

Cần đưa ra một hệ thống giải pháp tổng hợp

Tại Tọa đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân - Thực trạng và giải pháp” do Báo Xây dựng tổ chức vừa qua, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đánh giá, việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân, tuy đã đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo PGS.TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), để giải quyết bài toán về nhà ở cho công nhân, cần đưa ra một hệ thống giải pháp tổng hợp, đa ngành, cụ thể là, đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, cần bổ sung gói tín dụng cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân; bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở cho các đối tượng yếu thế; thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các DN gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.

Đặc biệt, cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút DN tích cực tham gia phát triển nhà ở cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, nhất là tại khu vực có đông công nhân và người lao động.

Để tìm giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, bà Vũ Thị Hợp, Chủ tịch HĐQT Cty CP thương mại Dạ Hợp đã đưa ra bốn đề xuất: Các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần chú ý đến thói quen sinh hoạt, văn hóa… của người lao động; quan tâm hơn đến vai trò, vị trí của công nhân;

Chính phủ nên ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở công nhân cho các ngân hàng thương mại thay cho ngân hàng chính sách thì việc sử dụng vốn sẽ được hiệu quả hơn; Chính phủ tiếp tục giao các chỉ tiêu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Khi xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, DN mong muốn các dự án không cần qua đấu thầu mà nên chấm điểm để lựa chọn nhà đầu tư.

Đại diện Công đoàn Xây dựng Việt Nam kiến nghị cần có quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà tại các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, bảo đảm các dự án nhà ở xã hội cho công nhân thì chỉ dành cho đối tượng là công nhân. Đồng thời, có chính sách giá bán, giá cho thuê phù hợp với đối tượng là công nhân, người có thu nhập thấp; cần thiết kế căn hộ hợp lý với từng đối tượng khách hàng là hộ gia đình, người độc thân…

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.