Cô giáo và cuộc hành trình mang trường học hạnh phúc đến với học trò

“Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”. Đó là điều mà cô Trần Thị Thanh Hương (SN 1980) - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) luôn tâm đắc trong cuộc hành trình gần 20 năm “trồng người”.
Cô giáo và cuộc hành trình mang trường học hạnh phúc đến với học trò
Cô Trần Thị Thanh Hương luôn tận tụy với nghề

Vượt khó để thành công

Sinh ra và lớn lên tại Giang Biên (Long Biên, Hà Nội), cô Trần Thị Thanh Hương luôn mang trong mình ước mơ trở thành một cô giáo, được đứng trên bục giảng, trao truyền những kiến thức cho những học trò thân yêu. Ước mơ ấy được ấp ủ từ thủa nhỏ, bởi chính những người thầy đã dìu dắt cô bằng sự yêu thương, quan tâm vô bờ bến.

Sau khi tốt nghiệp THPT, dù đỗ 2 trường Đại học nhưng cô Hương vẫn lựa chọn học trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Năm 2002, cô trở về quê hương dạy học trong chính ngôi trường đã vun đắp ước mơ cho mình. Trường Tiểu học Giang Biên cũng chính là ngôi nhà thứ hai gắn bó với cô trong suốt gần 20 năm qua.

“Hình ảnh thân thương của những người thầy dạy mình năm xưa là những ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời tôi. Khi đứng trên bục giảng, những kỷ niệm đáng nhớ ấy lại ùa về. Để rồi tại chính ngôi trường mà tôi đã lớn lên, tôi lại truyền đạt kiến thức cho học trò của mình. Những gương mặt say sưa, háo hức tìm tòi những điều mới lạ của các em học sinh chính là động lực để tôi vững tin vào sự lựa chọn của mình”, cô Hương chia sẻ.

Cô giáo và cuộc hành trình mang trường học hạnh phúc đến với học trò
Cô Hương luôn hướng đến mỗi tiết học đều là niềm vui của các em học sinh

Với chuyên môn tốt và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ sau 2 năm về trường công tác, cô Hương đã được tín nhiệm, giao trọng trách khối trưởng. Nhiều năm liền, cô được bầu làm Chủ tịch Công đoàn trường. Dù ở vị trí nào, cô Hương cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý trọng.

Khó khăn ập đến với gia đình cô Hương khi cách đây 8 năm, chồng cô qua đời vì tai nạn. Giấu những ngọt nước mắt vào trong, cô mạnh mẽ bước tiếp, một mình nuôi 2 con ăn học. Con trai lớn của cô vừa vào đại học, còn một bé gái đang học lớp 6. Suốt những năm tháng qua, cô Hương lấy sự trưởng thành của các con và những ngày được lên lớp cùng học trò làm niềm hạnh phúc của mình.

Luôn giữ ngọn lửa đam mê với nghề cùng tinh thần vươn lên trong cuộc sống và công việc, nhiều năm học, cô Hương được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp quận. Cô có 5 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải Ba cấp thành phố; bồi dưỡng học sinh đạt giải tại cuộc thi viết chữ đẹp cấp thành phố.

Nhiều năm liền, cô được Chủ tịch UBND quận Long Biên tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, được Liên đoàn Lao động quận Long Biên tặng giấy khen Chủ tịch Công đoàn giỏi. Cô cũng được Quận đoàn Long Biên tặng thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi,...

Cô giáo và cuộc hành trình mang trường học hạnh phúc đến với học trò
Cô Hương trong ngày được bổ nhiệm chức vụ Hiệu phó Trường Tiểu học Giang Biên

Trong quá trình công tác, dù là cương vị giáo viên hay quản lý, cô Hương luôn đề cao tinh thần đoàn kết, chăm chỉ, ham học hỏi. Cô luôn động viên, sẻ chia với đồng nghiệp để tạo sự kết nối giữa các giáo viên trong trường. Điều đó đã góp phần xây dựng nhà trường thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh.

Gần 20 năm miệt mài gắn bó với hành trình “trồng người”, cô Hương luôn tìm tòi, nghiên cứu để xây dựng những sáng kiến kinh nghiệm mang lại hiệu quả cao cho công tác giảng dạy cũng như quá trình học tập của học sinh.

5 sáng kiến kinh nghiệm từng đạt giải cấp thành phố của cô gồm: Giúp học sinh lớp 5 khắc sâu kiến thức khi học môn Lịch sử; Một số kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm; Thiết kế và sử dụng đồ dùng tự làm để dạy chương trình phép nhân, phép chia môn Toán; Một số biện pháp rèn kỹ năng viết đúng dấu câu Tiếng Việt cho học sinh lớp 5; Một số biện pháp xây dựng trường học hạnh phúc tại Trường Tiểu học Giang Biên.

Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới

Với cô Hương, nghề giáo tuy vất vả nhưng cũng đầy vinh quang. Sự vinh quang ấy không phải là những giải thưởng, danh hiệu mà là ở chính những nụ cười của học trò mỗi khi đến trường, là sự trưởng thành từng ngày của các con.

Về sáng kiến “Một số biện pháp xây dựng trường học hạnh phúc tại Trường Tiểu học Giang Biên”, cô Hương nhấn mạnh trường học hạnh phúc không đặt ở những gì cao siêu mà hướng đến những điều nhỏ nhất, đặc biệt là tôn trọng cảm xúc, mong muốn của học sinh.

“Lớp học hạnh phúc là nơi mà học sinh được yêu thương, an toàn và tôn trọng. Lớp học hạnh phúc phải là điểm đến thân thiện và vui thích của trẻ, là môi trường giáo dục hoàn hảo tạo được cho trẻ tâm lí thoải mái khi trẻ đến trường, là nơi khiến cả cô và trò đều có cảm giác muốn đến. "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, khi đến sẽ có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ và những rung động. Lớp học hạnh phúc không áp đặt học sinh phát triển theo khuôn mẫu mà đóng vai trò định hướng để trẻ được làm những gì mình yêu thích và say mê. Ở đó, các em được học những gì có ý nghĩa với mình, được khơi gợi niềm yêu thích, các bài học được thông qua các trò chơi và những trải nghiệm”, cô Hương cho biết.

Cô giáo và cuộc hành trình mang trường học hạnh phúc đến với học trò
Cô Hương (ngoài cùng bên phải) trong buổi trao đổi chuyên đề về trường học hạnh phúc

Cô Hương luôn tâm niệm “người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”, bởi các thầy cô hạnh phúc, vui vẻ sẽ lan tỏa những điều hạnh phúc, niềm vui đến với học trò, giúp các em cảm nhận được tình yêu thương, nở những nụ cười trên môi khi đến trường. Và từ đó, các em sẽ học tập tốt hơn.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” cũng là đích đến của Trường Tiểu học Giang Biên trong suốt những năm học qua. Và trong hành trình trở thành một trường học hạnh phúc, điều đó càng được chú trọng, phát triển. Dù là học trực tiếp hay trực tuyến thì các em học sinh của trường luôn háo hức, vui vẻ mỗi ngày đến trường.

Bởi thế, khi nghe các phụ huynh của trường chia sẻ các con về nhà khoe: “Mẹ ơi, hôm nay cả lớp con thấy vui vì cô giáo vui”. Hay “Con thích nhìn thấy cô cười mỗi khi đến lớp”; “Hôm nay con vui vì được cô khen học tốt”; “Hôm nay cô bảo con ăn nhiều vào để còn học tốt”; Cô khen con vì biết giúp đỡ bạn”,... tôi tin các em, phụ huynh và các cô đều cảm thấy hạnh phúc.

Tôi rất ấn tượng với câu nói “Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”. Câu chuyện về tình thầy trò của cô Hương với học trò cũ chính là câu chuyện về sự khơi dậy tâm hồn như thế.

Cô nhớ lại năm xưa, cậu học trò của mình sống khép kín, thường tự ti, e dè trước mọi người. Kết quả học tập vì thế rất thấp. Để cậu bé tự tin, cởi mở hơn, cô luôn cổ vũ, động viên em: “Tự tin lên con, cô tin con làm được”. Cuối cùng, sự chân thành, tận tụy cùng niềm tin trao gửi của cô Hương đã “đánh thức” tâm hồn cậu bé, giúp em thay đổi, trở thành một học sinh hoạt bát, dám thể hiện mình và chia sẻ với mọi người xung quanh.

“Tôi nghĩ, khi giáo viên trao gửi niềm tin và cổ vũ học trò hằng ngày thì các em sẽ tự tin thể hiện mình”, cô Hương chia sẻ.

Không chỉ khơi dậy ngọn lửa tự tin, tinh thần học tập cho các em, Trường Tiểu học Giang Biên còn lan tỏa tinh thần sẻ chia đến đông đảo học sinh. Những chương trình thiện nguyện như ủng hộ trẻ em vùng cao, quyên góp quần áo, đêm hội trăng rằm ở Trung tâm Hy Vọng, chương trình "Sóng và máy tính cho em",…đã giúp các em biết san sẻ yêu thương đến mọi người xung quanh, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn.

Thầy cô không chỉ gieo trồng kiến thức mà còn gieo mầm, nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của những học trò. Tình yêu xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim. Tôi tin, những đứa trẻ hạnh phúc được lớn lên bằng tình yêu thương, quan tâm của cô Hương cũng như các thầy, cô trường Tiểu học Giang Biên sẽ luôn có một trái tim nhân hậu, biết lan tỏa niềm vui, sự nhân ái đến mọi người. Và sẽ có thêm thật nhiều em cũng thắp lên ước mơ được trở thành thầy, cô giáo, tiếp nối những “chuyến đò” chở tri thức và tình yêu đến những thế hệ tương lai.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.