Nghệ sĩ Thiện Tùng: “Huy chương Vàng của tôi là công sức của một tập thể”

Với diễn xuất xuất sắc trong vai chính Quả của “Làng song sinh”, Thiện Tùng đã được Ban tổ chức Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc trao Huy chương Vàng cá nhân. Anh chia sẻ giải thưởng cá nhân của anh là công sức của cả một tập thể Nhà hát Kịch Hà Nội và nó cũng thôi thúc anh càng phải cố gắng hơn nữa để có những vai diễn hay gửi đến khán giả.
Nghệ sĩ Thiện Tùng: “Huy chương Vàng của tôi là công sức của một tập thể”
Nghệ sĩ Thiện Tùng đã xuất sắc giành Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021

Cảm xúc của Thiện Tùng như thế nào khi đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm nay?

"Là nghệ sĩ thì ai cũng muốn tên của mình được gọi trong lễ trao giải của mỗi kỳ liên hoan. Nhất là Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc, một ngày hội lớn 3 năm một lần của những người làm sân khấu. Đây là lần thứ 2 Thiện Tùng có vai tham gia hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc. Lần đầu là năm 2015 với vai Chánh Đàn trong vở kịch "Tiếng đàn vùng mê thảo", tác giả PGS Tất Thắng, Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang. Và vai diễn "Chánh Đàn" đã đạt Huy chương Bạc.

Phải 6 năm sau Tùng mới lại có cơ hội tham gia với vai Quả, trong vở "Làng song sinh", tác giả nhà văn Xuân Đức, đạo diễn NSND Trung Hiếu. Rất hạnh phúc khi Thiện Tùng được Ban tổ chức trao giải Vàng, và hạnh phúc hơn khi nhận cú đúp vì vở diễn "Làng song sinh" cũng nhận giải Vàng tại hội diễn.

Tuy nhiên, Thiện Tùng nghĩ rằng giải thưởng cá nhân thì cũng là công sức của cả một tập thể, tên của mình được gọi cũng là vinh dự và trách nhiệm của mình với nhà hát và nghề nghiệp. Sự đánh giá của ban giám khảo cũng là sự ghi nhận và khích lệ các nghệ sĩ yêu nghề hơn, công hiến hơn, rèn luyện và sáng tạo hơn nữa để có thêm những tác phẩm hay những vai diễn tốt đạt đến hình tượng nhân vật tiêu biểu phản ánh đời sống xã hội chân thực để tạo hiệu ứng tốt khi tiếp cận khán giả.

Từng biến hóa với nhiều dạng vai trên sân khấu, đâu là vai diễn khó nhất của Thiện Tùng?

Vai Quả trong vở “Làng song sinh” chính là vai diễn sân khấu khó nhất của Thiện Tùng từ trước đến nay. Dù từng đảm nhận nhiều vai diễn sân khấu rồi nhưng Tùng vẫn cảm thấy áp lực, lúc nào trong đầu cũng nghĩ liệu mình khắc họa nhân vật như vậy có khiến khán giả cảm thấy “đã” không? Mình diễn đã đủ sáng tạo để làm toát lên điều mà tác giả muốn gửi gắm và đúng ý đồ của đạo diễn chưa?

Tuy nhiên, sau đó, Tùng đã cố gắng chắt chiu những gì đặc biệt của nhân vật để xây dựng một nhân vật Quả mà khán giả khi xem sẽ cảm thấy ấn tượng với một chàng trai khù khờ nhưng tốt bụng. Sau này, sự lừa dối của những người Quả xem là thân thiết nhất đã khiến cho anh ấy trở thành con người khác, đầy hận thù và thủ đoạn.

Trong quá trình xây dựng nhân vật của mình, Tùng cũng nhận được rất nhiều lời góp ý giàu tính chuyên môn của NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Nhờ đó, vai diễn của Tùng hoàn thiện hơn.

Tất nhiên, một mình Tùng sẽ không thể thành công nếu thiếu sự phối hợp ăn ý của các đồng nghiệp của Nhà hát. Sự cống hiến của các nghệ sĩ tham gia vở kịch cũng chính là chất xúc tác quan trọng để đẩy cảm xúc diễn xuất của Tùng lên. Cuối cùng thì Tùng cảm thấy hài lòng với vai Quả của mình.

Nghệ sĩ Thiện Tùng: “Huy chương Vàng của tôi là công sức của một tập thể”
Từ một chàng trai khù khờ, nhân vật Quả trong vở "Làng song sinh" trở nên thủ đoạn nhưng cuối cùng chính anh ta lại là người chịu nhiều tổn thương nhất

Anh thích nhất phân cảnh nào của vở kịch và muốn gửi gắm điều gì qua đứa con tinh thần của mình?

Nếu như ban đầu, khán giả yêu quý sự ngô nghê, đáng yêu, một tâm hồn trong sáng của Quả thì sau đó, họ lại ghê sợ trước một con người đầy thủ đoạn và sẵn sàng làm mọi điều tàn nhẫn để đạt được mục đích của mình. Tùng thích nhất phân đoạn Quả trong bệnh viện và giằng xé với hình nhân độc ác trong con người mình. Mỗi người đều có hai bản ngã tốt và xấu. Dù rằng, những gì Quả làm là để trả thù những con người gây tổn thương cho anh nhưng sau tất cả, Quả lại chính là người đau đớn nhất. Có lẽ, trong cuộc đời này, không có gì tàn độc hơn khi dùng sự tàn độc để trả thù sự tàn độc. Mọi sự giả dối đều sẽ bị trả giá.

Dù ở đâu, nếu chúng ta luôn hướng đến những điều tốt đẹp thì chính là chúng ta đang gieo mầm thiện cho con cái mai sau. Chúng ta gạt bỏ đi cái xấu xa hôm nay chính là chúng ta đang xây dựng những điều tươi sáng trong tương lai.

Sân khấu là loại hình nghệ thuật khó, là thách thức của không ít diễn viên. Theo Thiện Tùng, điều gì làm nên thành công của một người nghệ sĩ sân khấu?

Sân khấu là loại hình nghệ thuật rất khó, không có đỉnh cao và càng không có chỗ cho sự lười biếng. Công cụ của người nghệ sĩ biểu diễn kịch nghệ chính là bản thân của họ. Công cụ ấy phụ thuộc rất nhiều vào ý chí lao động thật sự của người nghệ sĩ. Phải trải qua khổ luyện để đạt được thanh sắc thục khí thần anh.

Cảm ơn Thiện Tùng về cuộc trò chuyện này. Chúc anh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công hơn nữa.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.