Việt Nam phấn đấu trở thành 1 trong 4 thị trường chứng khoán lớn của ASEAN

Dù có không ít thách thức đến từ đại dịch Covid-19, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, cùng với sự phát triển của các DN và nền kinh tế, thu hút đông đảo các nhà đầu tư.
Cũng phải lưu ý rằng, chất lượng của các DN niêm yết trên sàn chứng khoán là một trong các tiêu chí mang tính chất định lượng để xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán
Cũng phải lưu ý rằng, chất lượng của các DN niêm yết trên sàn chứng khoán là một trong các tiêu chí mang tính chất định lượng để xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán

Có những phiên giao dịch lên tới 2 tỷ USD

Tại Tọa đàm “TTCK: Khơi thông nguồn lực cho DN - Kênh đầu tư sinh lời và tích sản” do Báo Đầu tư phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức đã nhấn mạnh về những dấu ấn trên chặng đường trưởng thành và phát triển của thị trường, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, nhận định các cơ hội trên thị trường chứng khoán, sản phẩm, công nghệ mới phục vụ nhà đầu tư, khát vọng của các thành viên thị trường trước bước ngoặt mới của ngành…

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, chúng ta có thể coi bối cảnh này là đặc biệt, vì mọi quyết sách kinh tế phải điều chỉnh theo những diễn biến chưa từng có tiền lệ, mà trong đó thị trường chứng khoán không phải là ngoại lệ. Nếu như trước đây, những phiên giao dịch có thanh khoản lên tới 20.000 tỷ đồng là điều đáng mừng, thậm chí là mơ ước. Thời điểm này, có những phiên giao dịch lên tới 2 tỷ USD. Mức thanh khoản như vậy gây băn khoăn nào đó.

Tài khoản mở mới, thanh khoản liên tục tăng cao thời gian gần đây khi đại dịch bùng phát mạnh. Thị trường chứng khoán khẳng định là kênh huy động vốn mạnh của nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, chắc chắn thị trường là kênh huy động quan trọng và hữu hiệu cho DN.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính đang cùng các bộ ngành, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thị trường là một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển. Quan điểm phát triển thị trường một cách đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ. Chú trọng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghệ thông tin, yêu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế. Quản lý giám sát thị trường trên cơ sở rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia, minh bạch, an toàn, bền vững, Nhà nước quản lý thị trường bằng pháp luật.

Mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là xây dựng thị trường chứng khoán thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn, chủ yếu của nền kinh tế, hỗ trợ hệ thống ngân hàng thương mại. Đồng thời hội nhập với thị trường quốc tế. Phấn đấu đưa thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP đã điều chỉnh vào năm 2025 và đạt 110% GDP vào năm 2030. Đối với trái phiếu, hướng tới 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng chứng khoán phát sinh 20-30%/năm, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030. Để tổ chức thị trường một cách hiệu quả, cơ cấu lại mô hình Cty mẹ - Cty con.

Thủ tướng và Bộ Tài chính đã có quyết định để chuẩn bị cho mô hình Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động sớm nhất. Tổ chức lại Trung tâm Lưu ký chứng khoán thành Tổng Cty Lưu ký chứng khoán, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Củng cố và nâng cao năng lực của các Cty chứng khoán, các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, đưa vào các dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực của các hiệp hội nghề nghiệp… Thực thi chính sách pháp luật, thị trường vận hành an toàn lành mạnh. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành trong kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tất cả các bên. Phấn đấu trở thành 1 trong 4 thị trường chứng khoán lớn của ASEAN.

Khơi thông nguồn lực cho DN

Ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, thị trường giao dịch cổ phiếu tại HNX bao gồm thị trường niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch (UPCoM). UPCoM mặc dù có quy mô không lớn song quy tụ nhiều mã cổ phiếu, hiện lên tới gần 1.300 DN, gấp 3 lần số DN niêm yết tại HOSE.

Có thể nói, UPCoM ra đời với mục tiêu ban đầu là thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường có tổ chức, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết. Đến nay, UPCoM không chỉ hoàn thành sứ mệnh đặt ra ban đầu mà ngày càng thể hiện là kênh đầu tư hấp dẫn của công chúng, từng bước là kênh huy động vốn hiệu quả cho DN và có sức hấp dẫn nhất định với công chúng đầu tư.

Trong những năm qua UPCoM đã giúp DN huy động 154.359 tỷ đồng vốn cho sản xuất kinh doanh qua kênh phát hành bổ sung cổ phiếu. Thanh khoản trên UPCoM 10 tháng đầu năm 2021 đạt 1.470 tỷ đồng/phiên, xấp xỉ 50% giá trị giao dịch bình quân trên thị trường niêm yết HNX, thậm chí có những phiên giá trị giao dịch trên UPCoM còn cao hơn cả trên thị trường niêm yết HNX, như phiên giao dịch ngày 11-10-2021, giá trị giao dịch lên tới 4.393 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài có tỷ trọng giao dịch từ 13% - 23% giá trị giao dịch của UPCoM. Có những thời điểm thị trường biến động, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu trên thị trường niêm yết nhưng vẫn mua ròng trên UPCoM.

Cũng phải lưu ý rằng, chất lượng của các DN niêm yết trên sàn chứng khoán là một trong các tiêu chí mang tính chất định lượng để xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán. Như theo tiêu chí của Cty Morgan Stanley Capital International (MSCI) - Cty uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu để đo lường hiệu quả hoạt động đầu tư - đề ra năm 2021, thị trường phải có ít nhất 3 tổ chức niêm yết thỏa mãn đủ điều kiện để vào chỉ số tiêu chí, gồm vốn hóa không thấp hơn 2,34 tỷ USD, vốn hóa cổ phiếu tự do chuyển nhượng không thấp hơn 1,17 tỷ USD và giá trị giao dịch/giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng (ATVR) đạt thấp nhất 15%. Bên cạnh đó, còn là các tiêu chí về hạ tầng và khung pháp lý.

Một trong các mục tiêu mà Bộ Tài chính đề ra và cam kết thúc đẩy các giải pháp từ nhiều năm qua là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trong các bảng xếp hạng MSCI và FTSE. Cánh cửa nâng hạng thị trường mở ra không chỉ thu hút vốn đầu tư ngoại, mà còn là động lực đưa thị trường phát triển tốt hơn, kéo thêm DN chất lượng lên sàn.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.