Hà Nội triển khai các tổ lưu động nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân gắn chip

Công an TP Hà Nội cho biết, từ ngày 31-12-2020 đến nay, đơn vị đã hoàn thành công tác thu nhận trên 5 triệu hồ sơ Căn cước công dân gắn chíp, tạo nhiều thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng.
Hà Nội triển khai các tổ lưu động nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân gắn chip
Cán bộ Công an quận Long Biên thực hiện thủ tục cấp CCCD gắn chíp cho người dân trên xe buýt lưu động. Ảnh: Thùy Linh

Qua rà soát, trên địa bàn thành phố còn khoảng 1 triệu công dân đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp.

Từ ngày 1-10-2021 đến hết ngày 30-11-2021, Công an TP sẽ tiếp tục triển khai các tổ lưu động để thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân gắn chíp trên toàn thành phố. Tại trụ sở Công an các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì và tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ, làm việc tất cả các ngày trong tuần (từ 7 - 22g).

Những trường hợp thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân gắn chíp: Tất cả công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú, làm việc trên địa bàn thành phố và công dân đủ 14 tuổi trở lên đã được cấp Chứng minh nhân dân 12 số hoặc Căn cước công dân mẫu cũ, nhưng chưa làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chíp.

Thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chíp: Trường hợp công dân đã có thông tin đầy đủ trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ không phải kê khai thêm.

Trường hợp công dân đã có thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng thông tin chưa đủ hoặc có sự thay đổi, bổ sung hoặc công dân không có thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… thì xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân đã được cấp trước đây còn giá trị sử dụng; các giấy tờ hợp pháp khác (giấy khai sinh, quyết định của cơ quan Tư pháp) để chứng minh nội dung thông tin cần thay đổi, bổ sung. Ngoài ra, công dân có thể chủ động liên hệ Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú để cập nhật bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi đến làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chíp.

Khi Bộ Công an triển khai ứng dụng VNEID, người dân có thể sử dụng ứng dụng này để đăng ký thời gian, địa điểm làm Căn cước công dân gắn chíp với cơ quan Công an, để khi đến làm thủ tục không phải chờ đợi lâu.

Nhằm hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày 24-6-2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định mức thu Lệ phí cấp Căn cước công dân bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30-8-2019 của Bộ Tài chính và mức thu này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2021 đến hết ngày 31-12-2021. Cụ thể: Chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang cấp Căn cước công dân gắn chíp: 15.000 đồng; Đổi thẻ Căn cước công dân gắn chíp: 25.000 đồng; Cấp lại thẻ khi bị mất, khi trở lại quốc tịch Việt Nam: 35.000 đồng.

Các trường hợp không phải nộp lệ phí: Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu; đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; đổi thẻ Căn cước công khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý Căn cước công dân.

Theo Công an TP Hà Nội, Căn cước công dân gắn chíp có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm, như: ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân. Khi sử dụng, Căn cước công dân gắn chíp có thể thay thế một số giấy tờ như: Chứng minh nhân dân và Căn cước công dân mã vạch, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe,…

Căn cước công dân gắn chíp tích hợp đầy đủ các thông tin, do đó, khi thực hiện các giao dịch, các thủ tục hành chính chỉ cần sử Căn cước công dân gắn chíp mà không phải mang theo nhiều loại giấy tờ.

Căn cước công dân gắn chíp có tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin của công dân. Dữ liệu thông tin có trong Căn cước công dân gắn chíp có thể truy cập ngay lập tức thông qua thiết bị cho phép đọc thông tin, mà không phụ thuộc vào kết nối mạng, giúp cho việc xác thực danh tính công dân nhanh và chính xác.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Công an đã và đang triển khai tích hợp đồng bộ các thông tin liên quan phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên Căn cước công dân gắn chíp. Công dân chỉ cần sử dụng Căn cước công dân gắn chíp để có thể thay thế được các giấy tờ khác, như: (1) Xác định thông tin tiêm chủng Covid-19 của công dân để xét mức độ ưu tiên; (2) Giấy đi đường; (3) Thông tin xét nghiệm; (4) Thông tin khai báo y tế trong vòng 72 tiếng; (5) Thông tin về người được hưởng chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ (hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19); (6) Bảo lãnh người phụ thuộc đi cùng (con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, …).

Công an TP Hà Nội đề nghị tất cả công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú, làm việc trên địa bàn thành phố nhưng chưa làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chíp, tích cực hưởng ứng thực hiện và phối hợp, giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

HP

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.