Gieo mầm

Thầy cô không chỉ gieo trồng kiến thức mà còn gieo mầm, nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của những học trò. Tôi tin những đứa trẻ được chăm chút bằng tình yêu thương của thầy, cô ngày hôm nay sẽ có một trái tim bao dung, chân thành ở ngày mai.
Gieo mầm
Ảnh minh họa

Chưa đến ngày 20-11 nhưng con gái nhỏ của tôi đã chuẩn bị những món quà xinh xắn để tặng các cô giáo của mình. Đó là những tấm thiệp chúc mừng được con tự vẽ, cắt, dán với đầy sự yêu thương, trân trọng. Giở tấm thiệp ra, dòng chữ: “Con cảm ơn cô đã yêu thương và dạy dỗ con nhiều điều hay. Con yêu cô nhiều lắm” của con làm mắt tôi cay cay, xen lẫn niềm vui sướng. Với một đứa trẻ, tình yêu với thầy cô lúc nào cũng đong đầy.

Đó sự kết tinh của những yêu thương, quan tâm, lo lắng mà các thầy cô dành cho những học trò của mình, là sự trao truyền những kiến thức hay, những đạo lý làm người cho các con. Niềm vui của tôi là con đã biết trân trọng và biết ơn những người thầy gắn bó với con trong cuộc hành trình học tập.

Tôi nhớ, ngày xưa, cứ mỗi lần đến ngày 20-11, chúng tôi thường xin bố mẹ chút tiền để góp lại mua tặng thầy cô những món quà nho nhỏ. Chúng tôi cùng nhau đi chọn những quyển sổ xinh xắn, cẩn thận lựa từng chiếc bút rồi ngồi tỉ mẩn bọc quà tặng thầy, cô. Đứa nào viết đẹp sẽ được phân công nhiệm vụ viết lời chúc trong quyển số. Có đứa còn ngắt cả những cành hồng ở nhà, bó lại mang đến tặng thầy cô, tuy có chút vụng về nhưng chan chứa yêu thương. Chúng tôi thường í ới gọi nhau từ sớm, đi bộ hoặc đứa nọ đèo đứa kia trên những con xe đạp cũ kỹ, vui vẻ và ấm áp vô cùng. Chúng tôi quây quần bên nhau như một gia đình, cùng trò chuyện vui vẻ. Thầy, cô thường bảo: “Thầy cô chỉ mong các em ngoan ngoãn, chịu khó học hành để có một tương lai tốt đẹp”. Tình cảm thầy trò lúc nào cũng thiêng liêng như thế.

Có lẽ, trong chúng ta, ai cũng có những kỷ niệm “khắc cốt ghi tâm” với những người thầy của mình. Anh bạn tôi mới hôm qua đã chia sẻ về người thầy đặc biệt đã giúp anh “tỉnh ngộ” và vững bước trên đường đời. Hồi đi học, anh là một cậu học trò vô cùng bướng bỉnh, học kém, bị xếp vào hàng cá biệt của trường. Bố mẹ anh cũng phải chịu thua trước những trò tai quái của anh.

Sau khi chuyển hết trường nọ đến trường kia, bố mẹ cũng nản, đành chấp nhận: Thằng này thế là hỏng. Thế mà anh lại trở thành cậu học trò ngoan hiền khi gặp người thầy đặc biệt của mình. Thầy không phạt hay trách mắng những khi anh phạm lỗi. Thầy chỉ bảo: Thầy tin con sẽ thay đổi. Nhìn dáng hình gầy gò, nét trầm ngâm của thầy trên bục giảng, rồi cả sự nhẫn lại bền bỉ thầy dành cho mình, anh nhận ra cần phải thay đổi. Cả trường đều thấy anh trở thành người khác. Ánh mắt thầy ngời sáng khi nhìn anh, thầy nói: Con ngoan lắm. Đó là người đầu tiên khen anh ngoan. Tấm chân tình của thầy đã thức tỉnh anh, nuôi dưỡng tâm hồn của một đứa trẻ từng lạc lối, để rồi khi thành công, anh luôn nhớ ơn thầy.

Thầy cô không chỉ gieo trồng kiến thức mà còn gieo mầm, nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của những học trò. Tôi tin những đứa trẻ được chăm chút bằng tình yêu thương của thầy, cô ngày hôm nay sẽ có một trái tim bao dung, chân thành ở ngày mai. Đó mới thực sự là quả ngọt, là món quà ý nghĩa nhất mà thầy cô mong ước sau những chuyến đò của mình.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.