Vợ chồng Đường "Nhuệ" hầu tòa vì bị cáo buộc ăn chặn gần 2,5 tỷ đồng tiền hoả táng

Vợ chồng Đường "Nhuệ" và các đàn em tiếp tục bị TAND tỉnh Thái Bình đưa ra xét xử vì liên quan vụ ăn chặn gần 2,5 tỷ đồng tiền hoả táng.
Vợ chồng Đường "Nhuệ" ra tòa vụ ăn chặn gần 2,5 tỷ đồng tiền hoả táng
Vợ chồng Đường "Nhuệ" cùng đàn em hầu toà vụ ăn chặn tiền hoả táng.

Sáng 17-11, TAND tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa xét xử Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", 50 tuổi) cùng vợ là Nguyễn Thị Dương (41 tuổi) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Cùng bị đưa ra xét xử với vợ chồng Đường "Nhuệ" về hành vi trên còn có bị cáo Bùi Mạnh Tiến (Tiến “trắng”, SN 1995, trú huyện Vũ Thư, là con nuôi Đường “nhuệ”) và 4 bị cáo khác gồm Ninh Đức Lợi (SN 1974), Quách Việt Cường (Cường “sơn la”, SN 1974), Phạm Văn Úy (SN 1989, cùng trú TP Thái Bình), Nguyễn Khắc Nin (SN 1979, trú huyện Kiến Xương).

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 4-2020, Nguyễn Xuân Đường dùng nhiều thủ đoạn đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp để cưỡng đoạt tiền của 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ tại tỉnh Thái Bình.

Đường lợi dụng danh nghĩa và núp bóng Công ty TNHH Đường Dương do vợ là Nguyễn Thị Dương làm giám đốc để ép buộc các cơ sở dịch vụ tang lễ tại tỉnh Thái Bình phải hoạt động và nộp tiền theo yêu cầu của Đường, mặc dù công ty không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực hỏa táng, không đầu tư cơ sở vật chất và không được Công ty Hoàng Long (Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình - tỉnh Nam Định) ủy quyền.

Đường còn tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, tự ban hành quy chế hoạt động của hiệp hội và hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình.

Đồng thời, Đường ép buộc các chủ dịch vụ tang lễ phải báo ca hỏa táng cho người của mình qua điện thoại và phải nộp số tiền 500 nghìn đồng/ca hỏa táng.

Trong thời gian trên, Đường "Nhuệ" tiếp tục có hành vi chặn xe tang lễ của cơ sở dịch vụ tang lễ tỉnh Hải Dương không cho sang tỉnh Thái Bình thực hiện hợp đồng tang lễ; phân chia địa bàn cho các cơ sở dịch vụ tang lễ.

Các bị can Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy, Nguyễn Khắc Nin, Bùi Mạnh Tiến, Quách Việt Cường và Nguyễn Thị Dương có hành vi giúp sức cho Nguyễn Xuân Đường trong từng giai đoạn của quá trình "Cưỡng đoạt tài sản".

Trong đó Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy xây dựng những văn bản gồm quy chế hoạt động của Hiệp hội tang lễ Thái Bình, Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình rồi đưa cho Nguyễn Thị Dương ký đóng dấu Công ty Đường Dương. Sau đó, Đường ép buộc các dịch vụ tang lễ ký vào các bản hợp đồng nguyên tắc trên.

Nguyễn Khắc Nin tổ chức cuộc họp tại khách sạn Dầu khí Thái Bình để Nin và Bùi Mạnh Tiến yêu cầu các dịch vụ tang lễ phải báo ca và nộp số tiền 500 nghìn đồng/ca cho Công ty Đường Dương.

Quách Việt Cường giúp Đường nhận báo ca và thu tiền báo ca 288,5 triệu đồng; Ninh Đức Lợi giúp Đường nhận báo ca và thu tiền báo ca gần 2 tỷ đồng; Lương Trung Thái không biết nội dung Đường cưỡng đoạt tiền của các chủ cơ sở dịch vụ nên giúp Đường nhận báo ca và thu tiền báo ca 339 triệu đồng.

Số tiền trên, Cường, Lợi, Thái đều giao lại cho Phạm Văn Úy. Uý kiểm đếm và mang về cho Đường. Nguyễn Thị Dương giúp Đường ký vào các bản hợp đồng nguyên tắc và quy chế hoạt động với tư cách Giám đốc Công ty Đường Dương, trực tiếp nhận từ Đỗ Văn Nhật (dịch vụ tang lễ Tâm Đức) số tiền 43 triệu đồng, nhận qua Phạm Văn Úy số tiền 64,5 triệu đồng, sau đó đưa cho Đường.

Bằng những thủ đoạn này, cơ quan điều tra xác định từ cuối năm 2017 đến tháng 4-2020, nhóm của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và đàn em đã chiếm đoạt của 25 bị hại tổng số tiền 2,469 tỷ đồng.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 22-4-2020, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.