Điều hành chính sách tài chính thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn

Những năm qua dư địa tài khóa được cải thiện đáng kể, thu đạt và vượt dự toán đề ra. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác…
Điều hành chính sách tài chính thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn

Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 hướng đến xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng

Cân đối ngân sách tích cực

Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược 10 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, và các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt trong bối cảnh thế giới và trong nước đang trải qua những tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18-4-2012, nền tài chính quốc gia đã có những chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công được nâng cao, đặc biệt nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; cân đối ngân sách tích cực; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần; thể chế tài chính tiếp tục được hoàn thiện đảm bảo tính đồng bộ, ổn định theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước...

Về các kết quả nổi bật trong triển khai chiến lược Tài chính thời gian qua, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đánh giá, thể chế tài chính - ngân sách Nhà nước được hoàn thiện, cơ bản đồng bộ với cải cách thể chế trong các lĩnh vực có liên quan, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả; thúc đẩy các yếu tố thị trường và các loại thị trường phát triển…

Đã huy động tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước bảo đảm đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu (32-34% GDP).

Chính sách thuế, phí đã được rà soát, hoàn thiện cùng với việc đẩy mạnh và hiện đại hóa công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước. Nhờ đó, tiềm lực tài chính Nhà nước ngày càng được tăng cường, thu ngân sách Nhà nước hằng năm vượt dự toán, quy mô thu ngân sách Nhà nước ngày càng tăng, giai đoạn 2011-2020 cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001-2010. Tỉ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 24,7% GDP.

Cơ cấu thu ngân sách bền vững hơn, tỉ trọng thu nội địa ngày càng cao trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Tỉ trọng thu nội địa tăng từ mức bình quân 68,7% giai đoạn 2011-2015 lên 82% giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020 đạt 85,6%.

Thu ngân sách nhà nước cũng là một thách thức trong thời gian tới

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, những năm qua dư địa tài khóa được cải thiện đáng kể, thu đạt và vượt dự toán đề ra. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Việc điều hành linh hoạt chính sách tài khóa một mặt tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, mặt khác hỗ trợ giảm chi phí cho DN, hỗ trợ người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập, các đối tượng yếu thế; hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trên cơ sở vẫn đảm bảo kiểm soát tốt cân đối ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh nền tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Tài chính phải thực hiện nhiều giải pháp gia hạn, miễn, giảm tiền thuế và tiền thuê đất. Các chính sách về chi ngân sách nhà nước đã tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Theo Bộ Tài chính tổng số tiền thuế và thu ngân sách nhà nước đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, tiếp tục thực hiện một số chính sách đã ban hành trong năm 2020 và ban hành thêm nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước để hỗ trợ DN và hộ kinh doanh tháo gỡ khó khăn, với quy mô dự kiến khoảng 140 nghìn tỷ đồng.

Những gói hỗ trợ về chính sách tài khóa được đánh giá là hiệu quả và rõ nét nhất trong số các gói hỗ trợ được triển khai thời gian qua, được cộng đồng DN và người dân đánh giá cao. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức đặt ra trong điều hành chính sách tài chính- ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Bộ Tài chính cũng nhận định, thu ngân sách Nhà nước khó khăn cũng là một thách thức trong thời gian tới. Nguyên nhân một mặt do tác động của dịch Covid-19 là nghiêm trọng và có thể kéo dài, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đòi hỏi phải có thời gian để kinh tế phục hồi. Mặt khác do việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm, giãn một số chính sách thu để hỗ trợ nền kinh tế; trong khi đó, nhu cầu chi phòng chống dịch bệnh lớn, nên áp lực gia tăng đối với cân đối ngân sách Nhà nước, nhất là ngân sách trung ương.

Theo bà Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, trong điều hành chính sách tài khóa thời gian tới, cần mạnh dạn bội chi ngân sách. Tăng bội chi, trên thực tế không đáng lo ngại, bởi vì lạm phát của chúng ta hiện thấp, trần nợ công an toàn và bội chi cũng ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, điều chỉnh tăng bội chi cần phải chú ý: khối lượng tiền lưu thông nhiều lên thì phải phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ; tăng bội chi ngân sách, cái đáng quan tâm đó là năng lực trả nợ của nền kinh tế.

Đăng Quý

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.