Gói kích thích kinh tế không chỉ nhằm phục hồi kinh tế mà còn phục hồi và phát triển xã hội

Khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra đòi hỏi những gói hỗ trợ khôi phục và kích hoạt nền kinh tế đủ lớn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần tính toán gói kích cầu mạnh tay hơn, hỗ trợ tổng thể hơn để vực dậy doanh nghiệp, người dân...
Gói kích thích kinh tế không chỉ nhằm phục hồi kinh tế mà còn phục hồi và phát triển xã hội
Các gói kích thích kinh tế phải đúng trọng tâm, hiệu quả, kịp thời

Trợ lực sức mạnh để nền kinh tế bắt đầu đứng dậy

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chứ không phải chỉ gói gọn trong mỗi vấn đề ứng cứu như những gói hỗ trợ trước đây. Vì là một chương trình tổng thể nên sẽ diễn ra trong dài hạn, phục hồi để tạo lập những nền tảng. Hơn nữa, chương trình này cũng sẽ trợ lực sức mạnh để nền kinh tế bắt đầu đứng dậy.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cần phải tính toán cẩn thận và chi tiết các gói hỗ trợ giúp giảm áp lực tài chính lên DN. Phải có những gói liên quan đến việc tài trợ, như thuế, phí, rồi giãn, hoãn nợ… mà những chi phí này vô cùng nhiều, như thuế đất, thuế DN. Chưa kể các loại phí mà tới đây chúng ra còn có thể phải chịu là xăng dầu, các loại giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng lên.

Số liệu từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quy mô hỗ trợ nền kinh tế từ năm 2020 đến nay mới đạt khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các chương trình hỗ trợ kinh tế mới chủ yếu tác động mặt cung của nền kinh tế, chưa hỗ trợ mạnh mẽ cho DN.

Do đó, trong thời gian tới, cần ban hành và thực hiện chương trình phục hồi kinh tế và xã hội sau dịch, trong đó, có gói kích thích kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế, phù hợp khung khổ đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính - ngân sách, kế hoạch kinh tế - xã hội và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 5 năm.

Về cách thức thực hiện, gói kích thích kinh tế cần chú trọng tổng cung và tổng cầu, không chỉ nhằm phục hồi kinh tế mà còn phục hồi và phát triển xã hội. Gói kích thích phải có sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ cùng với các chính sách vĩ mô khác, trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Giải ngân là một thách thức đang đặt ra

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng để không ảnh hưởng đến nợ công và bội chi. Lãnh đạo ngành tài chính ủng hộ gói kích cầu, bởi sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển và sau đó quay trở lại tăng thu ngân sách, giảm bội chi trong các năm sau.

Phân tích về nguồn lực huy động cho chương trình phục hồi, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, xét về cấu trúc vốn đầu tư toàn xã hội hiện nay, kênh tín dụng chiếm tỷ trọng 50%, thị trường chứng khoán 15%, đầu tư công 13%, FDI 22%. Khi đó, sẽ tính toán được huy động nguồn lực cho chương trình phục hồi nền kinh tế đi từ nguồn nào.

Nhiều cấu phần không thể tính phần tiền từ ngân sách, phải bóc tách phần lan toả để tính số lượng thực chi. Bên cạnh đó, song song với gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá, thoái vốn tại DN nhà nước. Làm tốt cổ phần hoá, thoái vốn tại DN nhà nước mỗi năm ngân sách có thể thu về khoảng 40.000 tỷ đồng, vì vậy cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Về vấn đề giải ngân, tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 11-11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ rõ: “DN và người dân đều mong muốn gói kích thích mới. Nhiều đại biểu muốn nâng bội chi, tăng trần nợ công, gói nọ gói kia. Nhưng toàn bộ số tiền chúng ta đang có còn chưa tiêu được thì tiêu mới cái gì”.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bây giờ chúng ta giải ngân đầu tư công còn chưa hết, vậy sắp tới có một cái gói kích cầu đầu tư thì phải làm sao giải ngân kịp trong năm 2022-2023. Đây là một thách thức đang đặt ra. Nếu chúng ta xây dựng một chương trình đầu tư như vậy mà công tác chuẩn bị, công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân như vừa qua thì không thể nào hấp thụ được. Có khi còn kéo dài đến 5-10 năm sau. Tất cả những vấn đề này đang là bài học và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiêm túc nghiên cứu, rút kinh nghiệm.

Đó là, cần chương trình tổng thể, quy mô đủ lớn, tính đến khả năng vay trả và hấp thu của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa-tiền tệ, mục tiêu hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ dòng tiền cho DN; bên cạnh đó, cần quan tâm công tác kiểm soát rủi ro, giám sát thực hiện chặt chẽ các gói hỗ trợ.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.