Giá rau xanh “phi mã” khiến người nội trợ “đau đầu”

Thời gian gần đây, người nội trợ trên địa bàn Hà Nội “đau đầu” vì giá rau “phi mã” chóng mặt. Các loại rau củ quả tại chợ dân sinh, chợ truyền thống đều đồng loạt tăng giá. Thậm chí, có những thời điểm, giá rau còn đắt hơn giá thịt.
Giá rau xanh “phi mã” khiến người nội trợ “đau đầu”
Giá rau xanh “phi mã” khiến người nội trợ “đau đầu”

Hàng ngày, gia đình tôi thường mua 2 đến 3 loại rau cho bữa cơm gia đình, nhưng thời gian này, tôi đành phải giảm lượng rau và thay bằng các loại rau củ quả khác. Theo tôi nhận thấy, giá các loại rau ăn lá tăng mạnh.

Cụ thể: Rau muống tăng từ 8.000 – 10.000 đồng/bó lên giá 25.000 - 30.000 đồng/bó, cải ngọt tăng từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng - 40.000 đồng/kg, rau cải xanh, bắp cải từ 15.000 đồng/kg nay lên 22.000 đồng/kg; súp lơ xanh giá 30.000 đồng/kg nay lên 50.000 đồng/kg… Đáng chú ý, các loại rau gia vị như hành lá, rau mùi, thìa là... có mức tăng "chóng mặt", hành lá từ 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg nay đã lên đến 50.000 đồng - 55.000 đồng/kg, rau mùi từ 30.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg, đặc biệt giá rau thì là lên tới 180.000 đồng/kg, đắt hơn cả thịt lợn. Các loại củ, quả như khoai tây, cà chua, bí xanh, bí đỏ, cà rốt, dưa chuột…tăng nhẹ từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Tại các chuỗi siêu thị lớn, giá rau cũng tương đồng so với bên ngoài. Một số mặt hàng rau VIETGAP giá tăng lên khoảng 10% nhưng cũng luôn trong tình trạng hết hàng.

Không chỉ người nội trợ như tôi lo lắng, các quán cơm bình dân, quán lẩu cũng “lao đao” vì giá rau. Họ đành phải chọn giải pháp giảm lượng rau xanh nhưng không tăng giá bán để giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, việc này gây không ít khó khăn cho chủ hàng và cũng chỉ là một giải pháp tạm thời.

Các tiểu thương bán rau cũng “khốn khổ” vì giá rau tăng. Do rau đắt nên lượng người mua giảm đi rõ rệt. Rau củ quả khi đã xuống mã, cũ, hỏng thì chỉ còn cách bỏ đi. Vậy nên, khá nhiều tiểu thương lỗ vốn vì giá rau. Nguyên nhân giá rau tăng mạnh được các tiểu thương cho rằng, thời gian qua, miền Bắc mưa lớn kéo dài khiến các loại rau thơm, rau ăn lá bị dập nát, úng thối trên ruộng. Giá tăng tại các chợ đầu mối nên giá bán lẻ buộc phải tăng theo.

Thêm một nguyên nhân khiến giá rau tăng mạnh, đó là rau vụ hè ở giai đoạn cuối mùa trong khi rau vụ đông chưa thu hoạch rộ. Hàng năm, thời điểm giao vụ giá rau luôn tăng nhưng không đến mức vọt lên như năm nay. Các tiểu thương hy vọng, khi rau vụ đông đến kỳ thu hoạch, giá rau sẽ giảm xuống. Tại một số địa phương, nguyên nhân giá rau tăng còn do người dân đã nhổ bỏ vì không tiêu thụ được trong thời gian giãn cách do dịch Covid-19.

Theo tôi được biết, hiện nay, diện tích đất tại một số địa phương đang dần phủ xanh trở lại bởi rau các loại. Hy vọng, thời gian tới, giá rau sẽ trở lại tình trạng bình thường. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để tạo ra làn sóng bình ổn giá cho mặt hàng rau xanh, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống trong tình hình bình thường mới.

Tường Vy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.