Công dân xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp không cần mang theo bản sao sổ hộ khẩu/sổ tạm trú

Quyết định 1050/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực lý lịch tư pháp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Theo đó, từ ngày 1-7-2021, người dân khi đi làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp không cần mang theo bản sao sổ hộ khẩu/sổ tạm trú.
Công dân xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp không cần mang theo bản sao sổ hộ khẩu/sổ tạm trú
Người dân chuẩn bị hồ sơ làm Phiếu LLTP tại Bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội

Trước đây, khi đi làm thủ tục cấp PLLTP theo Quyết định 2244/QĐ-BTP ngày 24-8-2018 yêu cầu người dân cần mang theo: Bản sao CMND hoặc thẻ CCCD hoặc hộ chiếu của người được cấp PLLTP; bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp PLLTP.

Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2021, người dân khi đi làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp không cần mang theo bản sao sổ hộ khẩu/sổ tạm trú. Thành phần hồ sơ khi thực hiện thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp (PLLTP) gồm: Tờ khai yêu cầu cấp PLLTP theo mẫu quy định (Mẫu số 03/2013/TT-LLTP (số 1); Mẫu số 04/2013/TT-LLTP (số 2));

Bản chụp Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ Căn cước công dân (CCCD) hoặc hộ chiếu của công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú/ bản chụp hộ chiếu của người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam (trường hợp nộp bản chụp thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

Trường hợp không có bản chính để đối chiếu thì nộp bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật). Đối với người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam, hộ chiếu phải được đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh của Việt Nam đóng dấu vào;

Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp PLLTP số 1 (trường hợp người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người ủy quyền thì không cần văn bản ủy quyền). Văn bản ủy quyền phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của nước nơi người đó là công dân hoặc thường trú.

Trường hợp ủy quyền theo quy định của pháp luật của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú thì văn bản ủy quyền phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và dịch ra tiếng Việt.

Trình tự thực hiện: Công dân nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp (Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp);Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi người đó tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh.

Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì nộp tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú. Nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ.Thời hạn giải quyết hồ sơ, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.