Hướng đến một Hà Nội đáng sống:

Kỳ 2: Không gian công cộng - “trái tim” của thành phố

Khi nhắc về hình ảnh đặc trưng của một đô thị, không gian công cộng (KGCC) là một trong những nơi được mọi người liên tưởng đến nhiều nhất vì sự kết nối với các hoạt động văn hoá, giải trí, xã hội bên cạnh cuộc sống thường nhật của người dân. Nói cách khác, KGCC giống như trái tim của một thành phố.
Kỳ 2: Không gian công cộng - “trái tim” của thành phố
Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Từ sau khi được mở rộng năm 2008, diện mạo chung của Hà Nội đã có nhiều thay đổi và hiện đại hơn nhưng KGCC của thành phố đang chịu nhiều sức ép từ các mục đích sử dụng khác như bãi đỗ xe, các hoạt động mưu sinh hoặc việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị.

Tình trạng “khát” KGCC ở Hà Nội còn có thể nhìn thấy rất rõ mỗi dịp cuối tuần ở khu phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm với số lượng hàng nghìn người tập trung về đây. Các địa điểm như Royal City, Times City là nơi được nhiều người lựa chọn để đưa gia đình đến mỗi khi muốn đi chơi. Các khu vực công viên Nghĩa Đô, Yên Sở, Thống Nhất cũng đã cải tạo và có thêm nhiều khu vui chơi nhưng cũng không thấm tháp gì so với nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, do thiếu các không gian vui chơi giải trí ngoài trời nên các siêu thị lớn có khi mua sắm, khu ăn uống, rạp chiếu phim... cũng đã trở thành sự lựa chọn của nhiều người dân.

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Viện nghiên cứu Văn hoá cho rằng KGCC có vai trò rất quan trọng đối với một thành phố, bởi vì KGCC được biết đến như là một “phòng khách” của một đô thị. Tuy nhiên, KGCC của Hà Nội đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị mới mọc lên trong khi diện tích đất dành cho mục đích công cộng không được chú trọng. Bên cạnh đó, KGCC còn đang bị hiện tượng thương mại hóa, tư nhân hóa. Diện tích vỉa hè bị lấn chiếm bởi các hộ kinh doanh do sự phân biệt về công, tư không rõ ràng. Trong khi nhiều nơi KGCC phải nhường chỗ cho những bãi đỗ xe hay việc mở rộng hạ tầng giao thông.

Theo bà Phương, thời gian gần đây, Nhà nước và các cấp chính quyền cũng đã có những sự quan tâm nhất định đến không gian công cộng như diện tích trồng cây xanh được mở rộng, số lượng các công viên nhiều hơn, tổ chức các tuyến phố đi bộ… nhưng diện tích cho KGCC vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. “Giành lại các KGCC và vận hành nó tốt trong thành phố thì phải có sự tham gia của cộng đồng, bởi chính quyền sẽ không thể lo hết. Cần phải có sự liên kết giữa những nhà quản lý đô thị với các doanh nghiệp để tạo nên nhiều hơn các KGCC cho người dân” - PGS.TS Phạm Quỳnh Phương nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Bình - Chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) cho rằng: “Cuộc sống của chúng ta đang diễn ra trong một cái hộp. Chúng ta ăn, nói chuyện, nuôi dạy con cái và sinh hoạt trong những cái hộp đó. Không gian bên ngoài những chiếc hộp đó là KGCC và chúng ta cũng có những hoạt động ở trong không gian đó. Nếu như không có những KGCC đó, chúng ta sẽ không làm được những hoạt động chúng ta mong muốn. Nếu chúng ta tham gia vào KGCC, chúng ta sẽ có cơ hội để gặp những người mới. Đó là một trong rất nhiều chức năng mà KGCC đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta".

KGCC còn có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, nâng cao sức khỏe của người dân. Theo ông Đinh Đặng Hải - Chuyên gia Dự án Thành phố sống tốt (Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam), ngoài lợi ích thường thấy về môi trường, kinh tế thì KGCC có lợi ích rất quan trọng về sức khoẻ. Trong quá trình đô thị hoá, không gian để người dân thực hiện các hành vi có lợi cho sức khoẻ thể chất như các cụ già tập thể dục hay các cháu nhỏ vui chơi là rất ít, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ.

Ở trẻ em, tình trạng béo phì rất nghiêm trọng, trong khi người già có thể mắc các bệnh về tim mạch. Với những người già còn là về vấn đề giao tiếp xã hội. “Chính vì vậy mà chúng tôi và WHO đặt mục tiêu nâng cao sức khoẻ cho người dân. Đặc biệt hơn nữa theo dự báo đến 2050, dân số toàn cầu sẽ lên đến gần 70%. Các vấn đề về sức khoẻ của dân số đô thị cần phải được quan tâm nếu không sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của dân số toàn cầu”, ông Hải cho biết.

Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, người đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think PlayGrounds (TPG - chuyên xây dựng sân chơi cho trẻ em thành phố) đánh giá, các KGCC giúp trẻ em khám phá những điều mới mẻ, tự tạo ra không gian vui chơi riêng hay đơn giản chỉ là chia sẻ niềm vui cùng người khác. Đó sẽ là những trải nghiệm rất bổ ích đối với sự phát triển của trẻ nhỏ.

“Chơi cùng nhau là một điều quan trọng giúp trẻ em tạo ra một thế giới nội tâm mạnh mẽ. Chúng sẽ không bao giờ chán các trò chơi vì luôn nghĩ ra những trò chơi mới. Đó là sức mạnh của sân chơi cộng đồng, tồn tại bền bỉ và giúp lũ trẻ tránh được những cú sốc tâm lý trong quá trình trưởng thành”, ông Đạt nhấn mạnh.

Theo ông Đinh Đặng Hải - chuyên gia Dự án Thành phố sống tốt (Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam), các không gian đô thị là linh hồn, điểm đến quan trọng hay nói cách khác là phong khách của người dân đô thị. Chính vì vậy, khi thiết kế, xây dựng các KGCC, các nhà quản lý, quy hoạch nên tham khảo ý kiến của những người dân, những người sẽ trực tiếp sử dụng các không gian đó. Ông Hải nhấn mạnh việc chính quyền có những nỗ lực là rất quan trọng, mấu chốt nhưng cách tiếp cận như thế nào để đưa được những người chủ vào trong quá trình thiết kế cũng như xây dựng là điều quan trọng. Việc thiết kế các KGCC gần như theo một khuôn mẫu, mà không phải ở nơi đâu người ta cũng cần. Vì vậy, việc lắng nghe ý kiến, nhu cầu của người dân ở từng khu vực cụ thể là rất cần thiết.

“Một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu khi xây dựng các KGCC chính là cần có sự tham vấn của những người sử dụng, bởi họ chính là một phần của không gian này. Chỉ họ mới có thể biết chính xác mình cần gì và sẽ làm gì trong không gian đó. Tất nhiên khi tham gia KGCC, cá nhân có mục đích cụ thể đáp ứng nhu cầu của bản thân, nhưng mẫu số chung là đều tìm đến sự thoải mái, tiện nghi, trong lành và được thư giãn. Do đó, cần chú trọng yếu tố con người để tạo nên không gian khiến người ta lựa chọn không chỉ vì cần, mà còn vì thích, vì muốn.

Nói như vậy để thấy rằng, không gian công cộng có tầm quan trọng rất lớn với đời sống cư dân đô thị. Nếu như có nhiều sự quan tâm cho phát triển các không gian công cộng, gắn kết sự sáng tạo, nề nếp văn hóa thì sẽ có nhiều hơn các sân chơi thực sự cần thiết và rất ý nghĩa cho người dân”, ông Hải nhấn mạnh.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết việc thiếu không gian công cộng cũng sẽ làm cho chất lượng không gian tư không đảm bảo. "Một thành phố từ thiết kế thiên nhiên cân đối mà giờ can thiệp xây dựng công trình làm môi trường sinh thái thay đổi. Không gian tư đã cát cứ lại. Chúng ta cứ mải mê xây dựng, chiếm hữu tư nhân mà quên đi mất rằng dày đặc không gian tư không phải chỉ không có KGCC mà còn làm cho chất lượng không gian tư xuống cấp", kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho biết.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, thời gian tới khi điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội thì các không gian xanh phải được tính lại trong tất cả các bài toán về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, bất động sản, không gian công cộng… Chỉ khi quy hoạch được làm mang tính tích hợp cao thì mới hy vọng có được một kịch bản phát triển xanh, bền vững cho đô thị…Bài toán phát triển không gian công cộng chưa bao giờ là dễ dàng nên cần có tầm nhìn dài hạn, thì mới có thể xây dựng được đô thị thông minh, hiện đại và đáng sống.

Theo một khảo sát của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân năm 2020, có 98% người dân được hỏi ủng hộ quyết định di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư của thành phố Hà Nội. 93% người dân muốn nhà máy chuyển đi được thay bằng công viên. Điều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân khi 92% cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% đồng ý Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.

(Còn nữa...)

Kỳ 1: Hà Nội quyết tâm giải quyết các vấn đề môi trường Kỳ 1: Hà Nội quyết tâm giải quyết các vấn đề môi trường

Những năm qua, bên cạnh việc đầu tư cho công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường, triển khai thực hiện các ...

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.