Để người lao động yên tâm trở lại làm việc

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH liên quan đến giải pháp để tránh nguy cơ gây gián đoạn chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các bộ, ngành cần khẩn trương xây dựng, ban hành một số quy định có tính chất tạm thời nhưng rất thiết thực cho DN, NLĐ
Các bộ, ngành cần khẩn trương xây dựng, ban hành một số quy định có tính chất tạm thời nhưng rất thiết thực cho DN, NLĐ

Chỉ tiêu về lao động chất lượng cao rất khó?

Đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nêu rõ, tác động kép của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã, đang và sẽ tạo ra thay đổi mạnh mẽ về việc làm, thị trường lao động và người lao động (NLĐ).

Đề nghị Bộ trưởng làm rõ, cần đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước?

Cùng mối quan tâm này, từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc gắn kết cơ sở đào tạo nghề với DN và thị trường lao động, mô hình dạy nghề theo hợp đồng đặt hàng, đào tạo gắn cơ sở dạy nghề với DN của Bộ như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề, gây nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề của các ngành kinh tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề này? Đồng thời làm rõ kết quả việc triển khai hỗ trợ lao động tự do từ các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 126/NQ-CP?

Trả lời vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, về vấn đề đào tạo kỹ năng nghề, trong thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã khiến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động đang diễn ra.

Để chống tình trạng thiếu hụt lao động, thời gian tới, Bộ cùng các Bộ, ngành hữu quan đã đưa ra các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đối với giải pháp ngắn hạn, trước hết cần tập trung hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 và một số nghị quyết của Chính phủ.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo ba mô hình: Mô hình thứ nhất là thực hành, sản xuất tại DN, năm học thứ hai, thứ ba tiến hành vừa học vừa làm; Mô hình thứ hai là vừa học lý thuyết vừa làm thực hành tại DN; mô hình thứ ba là tập trung tập nghề theo Bộ Luật Lao động quy định.

Về vấn đề lao động gián đoạn, theo Bộ trưởng, để bù đắp lực lượng lao động gián đoạn này, cần thực hiện cả ba giải pháp căn bản: giữ chân lao động, thu hút lao động quay trở lại và điều tiết lao động. Cụ thể, trong trường hợp cần thiết nhất, có thể huy động sinh viên trường nghề để thực hiện các mô hình trên.

Ngoài ra, có thể tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cấp tốc để có thể sử dụng bộ phận thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lực lượng công an nhằm cung cấp, tăng cường có tính chất cấp bách, tạm thời cho một số địa bàn, lĩnh vực, công việc đặc thù cần lực lượng lao động gấp rút. Về dài hạn, cần đào tạo, trách nhiệm DN là cùng với nhà nước chăm lo vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong quá trình học nghề, sinh viên được học liên thông nếu có nhu cầu. Với trường nghề, khi ra trường, sinh viên phải có việc làm và có thu nhập tốt. Theo tinh thần đó, bám vào những nội dung này, Bộ sẽ xây dựng chương trình nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập theo tinh thần Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

NLĐ đang quan tâm vấn đề gì?

Làm rõ thêm ý kiến, câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội liên quan đến NLĐ trước tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11-11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đợt dịch vừa qua đã làm bộc lộ rất nhiều vấn đề tồn tại từ lâu như nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, đổi mới đào tạo nghề…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay NLĐ quan tâm nhất đến những vấn đề trước mắt, giải quyết ngay bây giờ, hoặc sau 1 tháng. Bởi nhìn kỹ lại, số lao động dịch chuyển trong đợt dịch vừa qua là khoảng 1,3 triệu người, thuộc 4 nhóm. Nhóm 1 là những NLĐ có hợp đồng chính quy, tương đối ổn định, dài hạn, làm ở các khu chế xuất, công nghiệp. Với nhóm này, cơ bản DN vẫn trả một phần lương nên NLĐ vẫn quay lại làm việc.

Còn 3 nhóm còn lại rất quan trọng là NLĐ làm việc ở các xí nghiệp nhỏ, công trường, lao động không dài hạn và có tính thời vụ. Khi dịch đến thì người thuê lao động không có cam kết dài hạn và không biết khi nào quay lại.

Tiếp theo là NLĐ tự do, ở TPHCM có số lượng này rất lớn. Chúng ta cũng không quên đối tượng thứ 4 là những người đi theo, có rất nhiều người nghèo đi theo con cháu để trông con, trông cháu. Số này không phải là lao động chính thức nhưng chúng ta cũng phải giải quyết.

Theo Phó Thủ tướng, có ba vấn đề quan trọng để NLĐ yên tâm quay lại làm việc: Thứ nhất là phải có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, không để NLĐ vừa quay lại làm thì phải tạm nghỉ do dịch bùng phát.

Thứ hai là phải mở lại trường học, nhất là mẫu giáo và tiểu học, đây không chỉ là vấn đề giáo dục mà chính là giải quyết cho NLĐ đi làm vì đa phần họ có con nhỏ. Thứ ba là NLĐ muốn được các DN, dù to hay nhỏ, cam kết tiếp tục trả một phần lương trong trường hợp phải tạm nghỉ do dịch bùng phát trở lại.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vừa qua lãnh đạo các địa phương đã đi xuống từng DN để thảo luận, giải quyết các vấn đề đặt ra. Làm sao để DN thực sự lo cho công nhân, không hình thức hay dồn trách nhiệm về phía chính quyền. Các bộ, ngành cần khẩn trương xây dựng, ban hành một số quy định có tính chất tạm thời nhưng rất thiết thực cho DN, NLĐ. Hiện Bộ LĐTB&XH đang trình cơ quan thẩm quyền, xem xét, thậm chí là trình Quốc hội kỳ này để thảo luận về việc tạm thời áp dụng trong một thời gian ngắn quy định đặc biệt về hạn chế số giờ làm việc, có dưới 1 tháng không, hay để cả năm. Và nếu một tháng thì có nâng lên được không? Bởi bây giờ cuối năm có nhiều đơn hàng. Tạo điều kiện cho DN cũng chính là tạo điều kiện gián tiếp cho NLĐ.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.