Sai phạm xảy ra tại Cty CP Gang thép Thái Nguyên:

Đề nghị giảm án cho các bị cáo đã khắc phục hậu quả

Ngày 10-11, phiên xử các bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Cty CP Gang thép Thái Nguyên chuyển sang phần tranh luận…
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo đều không vụ lợi

Trước khi tranh luận, đại diện VKSND đã nêu quan điểm. Theo đó, KSV khẳng định, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Cty CP Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT Tổng Cty Thép Việt Nam (VNS). Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn KH-CN và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC); giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD.

Các bị cáo trong vụ án đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đạt được hiệu quả của dự án mà còn gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn. Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. MCC còn đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC…

Bị cáo Trần Trọng Mừng và Mai Văn Tinh đã chỉ đạo các cá nhân có liên quan thuộc TISCO và VNS tổ chức, thực hiện việc điều chỉnh dự toán chi phí phần C, tham gia ký hợp đồng thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01 theo hình thức hợp đồng theo đơn giá…, tạo điều kiện để MCC có lý do chối bỏ trách nhiệm thực hiện Hợp đồng trên, chấp thuận không có căn cứ VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01, trong khi VINAINCON không đủ năng lực.

Đại diện VKSND xét thấy, các bị cáo đều không vụ lợi. Tòa cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, mức án phù hợp với hành vi phạm tội của từng bị cáo. Do đó, KSV đề nghị HĐXX phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng GĐ VNS và Hoàng Ngọc Diệp, nguyên thành viên HĐQT TISCO, vì đã khắc phục được toàn bộ số tiền mà hai bị cáo này phải bồi thường.

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Trọng Mừng và các bị cáo còn lại cũng như người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Đánh giá vai trò chưa thỏa đáng?

Trước đó, trong phần tranh luận, luật sư Đinh Anh Tuấn, bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng GĐ của TISCO, cho rằng, bản án sơ thẩm đánh giá bị cáo Trần Trọng Mừng giữ “vai trò chính trong vụ án”, “chủ mưu và tổ chức thực hiện hành vi phạm tội”. Luật sư nêu, việc đánh giá vai trò của bị cáo Mừng như vậy là chưa thỏa đáng, không tương xứng với tính chất và mức độ hành vi, làm nặng thêm trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự của bị cáo.

Trong vụ án, phải đánh giá đúng vai trò của TISCO giai đoạn chưa cổ phần hóa, qua đó mới đánh giá đúng được vai trò của bị cáo Mừng. Với việc điều chỉnh chi phí phần C của Hợp đồng EPC số 01, bị cáo Mừng chỉ ký văn bản kiến nghị số 475 ngày 16-6-2009. Đây là văn bản cuối cùng bị cáo Mừng ký ban hành với tư cách Tổng GĐ TISCO trước khi nghỉ hưu. Việc đàm phán – ký kết Phụ lục điều chỉnh hợp đồng lần thứ 4, cũng như đàm phán – ký kết Hợp đồng với nhà thầu phụ VINAINCON, bị cáo Mừng không tham gia.

Nếu cho rằng Phụ lục hợp đồng lần thứ 4 và Hợp đồng với nhà thầu phụ VINAINCON đã phá vỡ trách nhiệm của Tổng thầu MCC trong hợp đồng EPC thì bị cáo Mừng hoàn toàn không phải là người “chủ mưu và tổ chức thực hiện” các công việc này. Về hành vi không dừng Hợp đồng EPC số 01 với nhà thầu MCC, bản án sơ thẩm quy kết bị cáo Mừng “không quyết định dừng hợp đồng để thu hồi tiền tạm ứng”, theo luật sư, việc quy kết này không đúng với quyền hạn của bị cáo.

Ông Đinh Anh Tuấn đề nghị HĐXX xác định bị cáo Mừng không có hành vi “không quyết định dừng hợp đồng”, xem đây là tình tiết mới của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Luật sư cũng cho biết, hiện bị cáo Mừng đang mắc nhiều bệnh, nên với những tình tiết mới tại phiên tòa cùng với thể trạng sức khỏe hiện tại của bị cáo, luật sư đề nghị HĐXX xem xét tiếp tục giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Trong phần nói lời sau cùng trước khi HĐXX tuyên án, các bị cáo cho biết, tuổi đã cao, sức khoẻ yếu, kinh tế khó khăn nên mong toà xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Đại diện VKSND nhận định, hành vi sai phạm của bị cáo dẫn tới phát sinh nhiều chi tiết hư hỏng, hành vi của các bị cáo gây thiệt hại về tài sản Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức; đồng thời gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, dẫn tới dự án không thể tiếp tục thực hiện.

Nhật Nam

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.