Nối lại đường bay quốc tế góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế

Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất nối lại đường bay quốc tế thường lệ. Đây sẽ giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung.
Nối lại đường bay quốc tế góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế

Việt Nam sẽ tiên phong trong các nước để công nhận giấy chứng nhận sức khỏe điện tử, tạo điều kiện cho du khách đi lại bằng đường hàng không.

Giải pháp đang rất được mong mỏi

Tại Toạ đàm trực tuyến: "Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn", do Báo Giao thông tổ chức vừa qua, đã có nhiều ý kiến gợi mở để giúp cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra được quyết định xác đáng, phù hợp với diễn biến dịch bệnh hiện nay.

GS,TS. Trần Thọ Đạt cho rằng, hiện đã là “thiên thời địa lợi”, các yếu tố khách quan và chủ quan đều phù hợp với việc này. Tuy không thể chắc chắn bao giờ thì dịch kết thúc nhưng một điều rất quan trọng là nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đã và đang được củng cố.

Với phương châm không thể phong toả mãi, cần chung sống chủ động, an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, nền kinh tế chắc chắn sẽ phục hồi từng bước.Tốc độ phục hồi phụ thuộc vào kiểm soát dịch đến đâu; Khi kinh tế phục hồi, ngành bị tác động mạnh nhất do dịch bệnh sẽ có sức bật mạnh nhất và nhanh nhất, trong đó có hàng không và du lịch.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines), cho biết: Việc mở lại các chuyến bay quốc tế đang rất được mong mỏi. Các hãng hàng không và các công ty lữ hành, du lịch trong nước đang vô cùng sốt ruột.

Bởi vì, tất cả các hãng đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, nếu tiếp tục đóng cửa, thị trường sẽ không có, đồng nghĩa nhiều DN có nguy cơ biến mất trên thị trường. Hơn nữa, việc chúng ta chậm triển khai các bước mở cửa lại cho khách du lịch sẽ dẫn đến cạnh tranh điểm đến của Việt Nam thời gian tới. Chính sách 7 ngày cách ly tập trung, cách ly tại nhà 7 ngày chỉ thu hút khách hồi hương, còn nếu muốn thu hút khách du lịch, thì phải thay đổi chính sách cách ly.

Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ mở lại các đường bay quốc tế xuất phát từ thực tiễn, từ kinh nghiệm các nước và từ chính nhu cầu cuộc sống để tái lập các chuyến bay vì nhiều mục đích khác nhau như: Đầu tư, thương mại, du lịch, nghiên cứu thị trường, ngoại giao…

Nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là các yêu cầu về cách ly y tế với khách nhập cảnh. Rất may là Chính phủ đã có những chỉ đạo rất sát sao, thực tế. Những kinh nghiệm tổng kết trong chống dịch đã giúp ích rất nhiều trong quá trình lên kế hoạch, triển khai hiện nay.

Làm thế nào để thuận tiện cho du khách?

Việc mở lại các chuyến bay quốc tế là phù hợp và đúng thời điểm, tuy nhiên vấn đề được quan tâm là làm thế nào để thuận tiện cho du khách, đồng thời bảo vệ được thị trường trong nước trước nguy cơ lây nhiễm dịch.

Một số ý kiến cho rằng, việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ gia tăng áp lực lên địa phương. Thời gian cách ly 7 ngày chưa đủ để khẳng định một người nhập cảnh vào Việt Nam có an toàn hay không. Nhưng theo PGS,TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế, nếu đã tiêm vắc-xin và xét nghiệm âm tính là tương đối đối an toàn với người xung quanh. Tuy nhiên, để mở cửa hàng không, cần chuẩn bị thêm cho ngành y tế về pháp lý, hướng dẫn cũng như chuẩn bị về cơ sở vật chất điều trị.

Theo Đại diện Cục Hàng không Việt Nam, kế hoạch mở lại các chuyến bay quốc tế được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bao gồm từng giai đoạn cụ thể: Giai đoạn đầu tiên là tiếp tục các chuyến bay cứu hộ công dân, sử dụng rộng rãi hình thức khách tự trả chi phí cách ly nhập cảnh Việt Nam.

Tiếp đó là giai đoạn thí điểm tổ chức chuyến bay đón du lịch quốc tế, sau đó sẽ mở cửa từng bước các chuyến bay, trong đó có những thị trường trọng điểm mà chúng ta quan tâm bởi năng lực chống dịch tương đồng với Việt Nam, như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga... Giai đoạn cuối cùng sẽ là giai đoạn trở lại bình thường như trước dịch.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó GĐ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, nhìn nhận dưới góc độ nhà khai thác cảng, cảng luôn trong tâm thế sẵn sàng để được mở cửa trở lại bất cứ lúc nào thông qua các chương trình triển khai tới toàn bộ các đơn vị phục vụ mặt đất, các đơn vị khai thác dịch vụ hàng không, phi hàng không… để đảm bảo hạ tầng xanh, phương tiện xanh, con người xanh… Những nỗ lực này không chỉ trong nước, mà cả các tổ chức quốc tế đã công nhận. Nhờ đó, toàn bộ hành khách, nhân viên tại cảng an tâm, chủ động đón khách.

Về phía Tổng cục Du lịch, theo ông Nguyễn Lê Phúc, xác định mở ra phải an toàn, an toàn đến đâu, mở ra đến đó, cứ thí điểm và triển khai dần. Cùng với đó, Tổng cục Du lịch cũng đang triển khai các chương trình truyền thông để xúc tiến, quảng bá rộng rãi đến du khách, để từng bước mở cửa du lịch.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.