Giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thu nhập giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đa phần người tiêu dùng trong nước phải cắt giảm chi tiêu. Do đó, muốn phục hồi kinh tế thì một trong những việc cần làm là kích cầu sức mua ở thị trường nội địa. Đây cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy các ngành kinh tế trong nước tăng trưởng.
Giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Người dân mua hàng trong siêu thị.

Sức mua chưa có sự bứt phá

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành hoạt động thì doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước đạt 2.779,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,54% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, giảm 3,38% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 279,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, giảm 22,14% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,63 nghìn tỷ đồng, giảm 63,95% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 303,97 nghìn tỷ đồng, giảm 19,37% so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sức mua trong thời điểm này chưa có được sự bứt phá là do dịch bệnh Covid-19 kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương… làm ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chung của cả nước.

Nhiều tỉnh, TP thực hiện giãn cách theo Chị thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch bệnh, các hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí, xúc tiến thương mại… bị hạn chế. Doanh thu các ngành du lịch, dịch vụ ăn uống đều giảm mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu chủ yếu chỉ tập trung vào các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân trong 9 tháng năm 2021 của người lao động là 5,9 triệu đồng, gần như tương đương so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 34.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019, dẫn đến sức mua của người tiêu dùng chưa cao.

Linh hoạt giải pháp kích cầu tiêu dùng

Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021 từ 3,5% - 4% y của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì kích cầu hàng hoá nội địa, dịch vụ nội địa và du lịch nội địa chính là những giải pháp để góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp để kích cầu sức tiêu dùng trong nước thông qua các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế. Trong đó, việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại thời điểm này hết sức có ý nghĩa và quan trọng, để tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng, các DN và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động, qua đó tạo nên sức mua cho hàng hoá Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ sẽ triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: Tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường… Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước với sự tham gia của các DN lớn, DN bán lẻ…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các DN sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.

Theo ý kiến một số chuyên gia kinh tế, để nâng cao sức mua cho thị trường cần có các chính sách kích cầu, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng với khả năng tiếp cận gần gũi hơn cho người dân.

Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho các tổ chức tín dụng mở rộng, phát triển mạng lưới hoạt động cho vay tiêu dùng, để hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền, từ đó gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền GĐ Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện Sở đã trình TP ban hành kế hoạch kích cầu tiêu dùng năm 2021. Dự kiến, trong quý IV-2021, Sở sẽ tập trung triển khai 43 sự kiện kích cầu tiêu dùng cho các DN nhằm đưa các sản phẩm của các DN đến tay người tiêu dùng; Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung TP Hà Nội” năm 2021… và các sự kiện kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ. Đồng thời khuyến khích các DN phân phối tổ chức các chương trình khuyến mại, hội chợ Tết phù hợp phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.