Nền kinh tế số Việt Nam kỳ vọng đạt tăng trưởng 31% trong năm 2021

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy phát triển nhanh chóng nền kinh tế số toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Sáng nay (10-11), Google, Temasek và Bain & Company đã đưa ra nhận định nền kinh tế số của Việt Nam dự báo ​​trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.
Nền kinh tế số Việt Nam kỳ vọng đạt tăng trưởng 31% trong năm 2021

Việt Nam dự báo trở thành nền kinh tế số lớn thứ 2 Đông Nam Á

Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á - Tiếng Gầm Thập kỷ 20: Thập kỷ Kỹ thuật số Đông Nam Á ra mắt phiên bản thứ sáu bởi Google, Temasek và Bain & Company mới đây cho thấy giá trị các thương vụ đầu tư vào lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam tăng vọt đạt mức 1,368 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Con số này tăng gấp 3,75 lần cùng kỳ và vượt mức cả năm của tất cả các năm trước đó. Số lượng thương vụ được thống kê đạt 89, bao gồm vốn đầu tư mạo hiểm, vốn cổ phần tư nhân và đầu tư chiến lược.

Theo nhận định của các nhà đầu tư, nền kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 220 tỷ USD về Tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia. Năm 2021, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam cũng sẽ bùng nổ mạnh mẽ với sức tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 21 tỷ đô la Mỹ, dựa trên cốt lõi là sức tăng trưởng 53% của thương mại điện tử. Đây là điều đáng hoan nghênh trong bối cảnh thị trường du lịch trực tuyến đang thu hẹp. Nếu duy trì được sức tăng trưởng này, GMV của việt Nam dự kiến sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm tám triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Người tiêu dùng kỹ thuật số trước đại dịch trung bình đã sử dụng thêm bốn dịch vụ kỹ thuật số kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng, Việt Nam tiếp tục được duy trì là khu vực đổi mới hấp dẫn với nhiều vườn ươm và các trung tâm đổi mới sáng tạo hơn khác thị trường khác trong khu vực. Bất chấp sự không chắc chắn của thị trường, vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục đổ vào Việt Nam nhờ nền tảng cơ bản tăng trưởng mạnh mẽ cùng hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển. Sự khao khát của giới đầu tư vẫn mạnh mẽ vào các dịch vụ kỹ thuật số hưởng lợi từ đại dịch COVID-19, như thương mại điện tử, fintech, healthcare và edtech.

Năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam được ước tính đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng trưởng 31% so với năm trước đó. Năm 2021 đã chứng kiến hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, ngoại trừ mảng du lịch trực tuyến.

Đối với thị trường Đông Nam Á, báo cáo nhấn mạnh khu vực này đang trên con đường trở thành nền kinh tế kỹ thuật số trị giá GMV đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Động lực chính của điều này là hơn 440 triệu người dùng internet, trong đó có 350 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số của khu vực.

Các chuyên gia nhận thấy rằng từ khi đại dịch bắt đầu Đông Nam Á đã có thêm 60 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, trong đó 20 triệu người tham gia chỉ trong nửa đầu năm 2021.

Nhờ sự thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, người tiêu dùng kỹ thuật số Đông Nam Á đã chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ trực tuyến, giao dịch trung bình trong bốn ngành mới kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. Tăng tần suất sử dụng và chi tiêu trên hầu hết các ngành dịch vụ cũng ghi nhận sự gia tăng.

Kết quả là GMV của Đông Nam Á ước tính sẽ đạt 174 tỷ USD vào cuối năm 2021, dự kiến sẽ vượt qua 360 tỷ USD vào năm 2025 - cao hơn mức dự báo trước đó (300 tỷ USD).

Hồng Đức

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.