Đảm bảo an sinh xã hội để người lao động quay trở lại làm việc

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã dẫn tới việc hàng loạt các doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, người lao động ồ ạt tháo chạy khỏi các thành phố lớn. Theo một số chuyên gia, để giải bài toán đứt gãy nguồn lao động, bên cạnh các giải pháp từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ cho người lao động quay trở lại sản xuất.
Đảm bảo an sinh xã hội để người lao động quay trở lại làm việc
Các DN cần có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, các chế độ bảo hiểm, tiền ăn ca, phúc lợi xã hội... để giữ chân người lao động.

Nhiều doanh nghiệp và người lao động đã quay trở lại làm việc

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thời gian vừa qua đã có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh; lao động có việc làm giảm. Dịch chuyển lao động giữa các địa phương, các vùng bị hạn chế đã làm cho thị trường lao động chia cắt cục bộ, nguy cơ thiếu hụt lao động ở một số vùng, ngành, lĩnh vực khi phục hồi sản xuất.

Số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, đại dịch Covid -19 đã tác động đến 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I-2021 và tăng dần lên 12,8 triệu người trong quý II và 28,2 triệu người trong quý III. Trong quý III có 4,7 triệu người bị mất việc làm; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động giảm thu nhập.

Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Số lao động có việc làm trong quý III là 47,2 triệu người, giảm gần 2,6 triệu so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Tiền lương, thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý III chỉ còn 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm quý III-2021 là 4,46%, tăng 1,86% so với quý trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%.

Tuy nhiên, sau hơn một tháng kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả; đã có 70 - 75% DN và người lao động quay trở lại làm việc.

Theo nhận định của các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất và DN, nếu tiến độ tiêm vắc xin được triển khai nhanh hơn, tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại thì có khả năng trong cuối quý I, đầu quý II năm 2022, tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch.

Giải pháp đưa lao động trở lại làm việc

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2021 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, để chuẩn bị nguồn lao động phục vụ cho phục hồi sản xuất kinh doanh, Chính phủ tập trung triển khai các giải pháp, cụ thể như:

Thứ nhất, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh; tuyên truyền cho người lao động những lợi ích gắn bó lâu dài, các DN, chia sẻ cùng với DN trong lúc khó khăn; khuyến khích DN có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, các chế độ bảo hiểm, tiền ăn ca, phúc lợi xã hội, ngày lễ... để giữ chân người lao động. Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ nhà ở, phòng trọ, lương thực, thực phẩm cho người lao động yên tâm làm việc. Đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động.

Thứ hai, hỗ trợ cho người lao động quay trở lại làm việc, tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền để người lao động biết thông tin chính xác, làm cơ sở quyết định quay trở lại thị trường lao động. Ưu tiên tiêm phòng vaccine cho người lao động, hỗ trợ chi phí y tế, khám sức khỏe, cách ly; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động…

Đối với người lao động ngoại tỉnh cần hỗ trợ sắp xếp nhà ở tạm cho lao động hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động ngoại tỉnh thuê nhà ở để ổn định cuộc sống. Khuyến khích DN quan tâm, động viên, giữ mối liên hệ với người lao động ngoại tỉnh đã trở về quê, sẵn sàng có chính sách hỗ trợ đi lại, tiêm vaccine phòng Covid-19.

Thứ ba, có kế hoạch, giải pháp kết nối cung cầu lao động, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm; tổ chức kết nối cung cầu lao động thuận tiện, kịp thời, khả thi thông qua các hoạt động tổ chức các phiên giao dịch việc làm…

Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức dịch vụ việc làm trên địa bàn, các địa phương khác để tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối trực tuyến với các địa phương trong vùng, liên vùng, trên toàn quốc. Có chính sách hỗ trợ trực tiếp đi lại, truyền thông... cho người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia tư vấn, định hướng tham gia các phiên giao dịch việc làm. Đặc biệt, tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động để kịp thời cung ứng cho DN, hạn chế sự thiếu hụt lao động, kỹ năng làm việc cho phục hồi kinh doanh.

Theo Ths. Nguyễn Thị Minh Thư, giảng viên ngành Quản trị nguồn nhân lực và ngành Khởi nghiệp (Đại học RMIT), để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, DN có thể cung cấp dịch vụ đưa đón nhân viên; hợp tác với bên cung ứng để bán thực phẩm và hàng thiết yếu ngay tại DN. Đồng thời, các DN cũng cần đầu tư vào chương trình bảo hiểm y tế cho nhân viên và mở rộng quyền lợi bảo hiểm cho cả người nhà nhân viên. Có như vậy mới khích lệ nhân viên quay lại làm việc và giải quyết được nỗi lo về an toàn sức khỏe cho người thân của nhân viên.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.