Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải:

Kỳ 2: Hạ tầng kỹ thuật xuống cấp gây khó khăn cho công tác xử lý

Không thể phủ nhận những nỗ lực của TP Hà Nội trong thời gian qua với việc thực hiện nhiều giải pháp để để bảo đảm vệ sinh môi trường trong việc xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, đến nay, công tác xử lý rác thải vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn chậm tiến độ hoàn thành so với mục tiêu đề ra.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn chậm tiến độ hoàn thành so với mục tiêu đề ra.

Công tác xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Chi cục Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội, hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được tiếp nhận, xử lý hàng này trên địa bàn TP khoảng 6.500 – 7.000 tấn/ngày đêm, tập trung tại 2 khu xử lý Nam Sơn và Xuân Sơn; trong đó: xử lý tại Khu LH XLCT Nam Sơn khoảng 5.000 - 5.500 tấn/ngày đêm và Khu XL CTR Xuân Sơn khoảng 1.500 tấn/ngày.

Theo đó, khu liên hiệp Xử lý chất thải Nam Sơn, với tổng diện tích theo Quy hoạch khoảng 280 ha bao gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 diện tích 83,5 ha gồm 10 ô chôn lấp vận hành khai thác từ năm 1999; hiện đang đổ rác tại các ô hợp nhất và hồ sinh học, khối lượng rác đã tiếp nhận khoảng 14,8 triệu tấn; Giai đoạn 2 diện tích 73,73 ha bao gồm: khu phía Nam (36,26 ha) gồm 8 ô chôn lấp đưa vào hoạt động từ năm 2016 hiện đã tiếp nhận khoảng 8,2 triệu tấn rác; Khu phía Bắc (37,47 ha) chưa hoàn thành, đang thực hiện công tác GPMB và thi công xây dựng. Giai đoạn 3 hiện đang thực hiện đến bước lập nhiệm vụ quy hoạch.

Tổng khối lượng đến nay đã tiếp nhận khoảng 23 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, vượt công suất thiết kế; điều kiện cơ sở hạ tầng xuống cấp gây khó khăn cho công tác xử lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, với tổng diện tích là 73,5 ha gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1&2 có tổng diện tích 25,2 ha vận hành từ năm 1999, đã tiếp nhận khoảng 2,6 triệu tấn rác, đã tiếp nhận bổ sung tại ô chôn lấp số 1 khu 5,6 ha huyện Ba Vì.

Hiện nay, khu xử lý thực hiện tiếp nhận, xử lý chất thải sinh hoạt với các loại hình xử lý: Chôn lấp hợp vệ sinh (1.400 tấn/ngày), xử lý đốt không phát điện (100 tấn/ngày), vượt công suất thiết kế ban đầu. Giai đoạn 3: UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục triển khai lập Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu XL CTR Xuân Sơn mở rộng đến năm 2030, tỷ lệ 1/500, giao Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn Ban QLDA ĐTXD cấp nước, thoát nước và môi trường TP thực hiện.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, hầu hết các khu xử lý chất thải Nam Sơn, Xuân Sơn đều được thiết kế và vận hành từ năm 1999, hiện nay hạ tầng kỹ thuật xuống cấp gây khó khăn cho công tác xử lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Tiến độ các dự án đến nay vẫn chậm

Thực hiện Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; để bảo đảm vệ sinh môi trường trong việc xử lý rác thải sinh hoạt. TP đang tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ hiện đại, thu hồi năng lượng để phát điện tại các khu xử lý chất thải tập trung theo quy hoạch.

TP đang tập trung đầu tư 4 nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại, gồm: Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm; Nhà máy XLCT Núi Thoong, huyện Chương Mỹ, công suất khoảng 450 tấn/ngày đêm; Khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ, công suất 1.500 tấn/ngày đêm; Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn với tổng công suất 1.500 tấn/ngày đêm.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, mặc dù TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đã nhiều lần nhóm họp tìm biện pháp giải quyết vướng mắc, khó khăn khi triển khai dự án trên nhưng đáng tiếc là hiện tiến độ các dự án đến nay vẫn chậm.

Cụ thể, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày, phát điện 75MW do Công ty CP năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội làm chủ đầu tư. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự án chậm tiến độ hoàn thành so với mục tiêu đề ra; việc chậm tiến độ Nhà máy ảnh hưởng đến công tác vận hành Khu LH XLCT Nam Sơn nói riêng và kế hoạch tiếp nhận, xử lý rác thải của TP nói chung. UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 23-6-2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì.

Dự án Nhà máy điện rác Seraphin do Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin làm chủ đầu tư, được UBND Thành phố phê duyệt Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 2485/QĐ-UBND ngày 16/6/2020. Theo đó tăng công suất xử lý rác từ 700 lên 1.500 tấn/ngày, sử dụng công nghệ đốt phát điện (37 MW) sử dụng ghi đốt kiểu Seghes. Diện tích sử dụng đất 2,5 ha (phạm vi nhà máy cũ). Tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thành các nội dung thẩm định công nghệ, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng 1/500, bổ sung quy hoạch điện Quốc gia, thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý (thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận mua bán điện) cần thiết để đủ điều kiện cấp phép khởi công xây dựng nhà máy trong tháng 12-2021.

Dự án xây dựng Nhà máy XLCT Núi Thoong do Công ty môi trường đô thị Xuân Mai là Nhà đầu tư. Hiện nay đã hoàn thành công tác GPMB, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhà đầu tư là Công ty môi trường đô thị Xuân Mai với diện tích khoảng 10,318 ha (đến năm 2050 theo quy hoạch 609); Nhà đầu tư đang đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chuyển đổi công nghệ hiện đại, phát điện, sử dụng công nghệ lò đốt công nghệ Martin (Đức); nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 2.000 tấn/ngày đêm (bao gồm 2 dây chuyền xử lý); công suất phát điện 45MW.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái, nguyên nhân dẫn tới các dự án chậm tiến độ là do người dân khu vực triển khai dự án chưa đồng thuận với chủ trương các dự án mở rộng theo quy hoạch, lo ngại ô nhiễm môi trường; tiến độ thực hiện công tác GPMB, tái định cư của các chủ đầu tư còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác bồi thường, hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường, các chính sách hỗ trợ Nhân dân về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, quan trắc giám sát môi trường còn chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân.
Kỳ 1: Khung pháp lý giúp xây dựng Hà Nội hướng đến đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại Kỳ 1: Khung pháp lý giúp xây dựng Hà Nội hướng đến đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.