Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải:

Kỳ 1: Khung pháp lý giúp xây dựng Hà Nội hướng đến đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, với sự nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn tại khu vực đô thị của Hà Nội đạt xấp xỉ 100%, tại khu vực nông thôn đạt 90%.
TP Hà Nội đang tập trung đầu tư 04 nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại - ảnh:  Nhà máy Đốt rác phát điện công suất 4.000 tấn/ngày - đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Nhà máy Đốt rác phát điện công suất 4.000 tấn/ngày - đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn

Dẫn đường đến mô hình đô thị văn minh

Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. tính tới thời điểm này, Luật Thủ đô đã chính thức có hiệu lực được hơn 8 năm. Điều 14 của Luật đã quy định rõ những nội dung về quản lý và bảo vệ môi trường. Theo đó, quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử ở Thủ đô, bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.

Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích.

Việc cải tạo sông, suối, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải phù hợp với quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một số quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn Thủ đô nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn môi trường quốc gia theo đề nghị của UBND TP Hà Nội.

Điều 17 của Luật cũng đã quy định rõ những nội dung về phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của Thủ đô được xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại, bảo đảm định hướng lâu dài và kết nối Thủ đô với các tỉnh, TP trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước.

Nhà nước ưu tiên đầu tư và có chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn, quan trọng trên địa bàn Thủ đô.

UBND TP Hà Nội thực hiện đầu tư theo phân cấp; tổ chức việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống quản lý và xử lý chất thải rắn, hệ thống cung cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị, hệ thống thông tin liên lạc và kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn Thủ đô.

GS Nguyễn Lân Dũng (Chuyên gia cao cấp của Trung tâm Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên là đại biểu Quốc hội) cho biết, hơn 8 năm qua, kể từ khi có hiệu lực, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô.

“Nhờ đó, trong những năm qua, cảnh quan đô thị được cải thiện rất nhiều, đường phố phong quang, khang trang, đảm bảo an toàn giao thông, môi trường sống tại Thủ đô được cải thiện, sáng – xanh – sạch hơn. Thủ đô đã có bước chuyển mình mạnh mẽ”, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý đạt tiêu chuẩn tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%

Theo Sở TN&MT Hà Nội, hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được tiếp nhận, xử lý hàng này trên địa bàn TP khoảng 6.500 – 7.000 tấn/ngày đêm, tập trung tại 2 khu xử lý Nam Sơn và Xuân Sơn; trong đó: xử lý tại Khu LH XLCT Nam Sơn khoảng 5.000 - 5.500 tấn/ngày đêm và Khu XL CTR Xuân Sơn khoảng 1.500 tấn/ngày.

Ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, để hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại, những năm qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng, giảm tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra.

“Đến nay, với sự nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn tại khu vực đô thị của Hà Nội đạt xấp xỉ 100%, tại khu vực nông thôn đạt 90% (theo quy hoạch đến năm 2030: Tỷ lệ thu gom khu vực đô thị khoảng 90% - 100%, nông thôn khoảng 80% - 95%)”, ông Mai Trọng Thái cho biết.

Theo ông Mai Trọng Thái, thực hiện Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; để bảo đảm vệ sinh môi trường trong việc xử lý rác thải sinh hoạt. TP đang tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ hiện đại, thu hồi năng lượng để phát điện tại các khu xử lý chất thải tập trung theo quy hoạch.

Hiện nay, TP đang tập trung đầu tư 04 nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại, gồm: nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm; Nhà máy XLCT Núi Thoong, huyện Chương Mỹ, công suất khoảng 450 tấn/ngày đêm; Khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ, công suất 1.500 tấn/ngày đêm; Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn với tổng công suất 1.500 tấn/ngày đêm.

(còn nữa)

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, khi quy hoạch Thủ đô, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã xác định xây dựng Hà Nội hướng đến là đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại trong tương lai. Điều đó cho thấy, trong chiến lược phát triển Thủ đô, lĩnh vực phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; quản lý và bảo vệ môi trường rất được quan tâm phát triển.

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.