Vận động toàn dân giao nộp, thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trôi nổi

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3795/UBND-NC về tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn Thành phố.
vận động toàn dân giao nộp và thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo còn trôi nổi ngoài xã hội
Vận động toàn dân giao nộp và thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo còn trôi nổi ngoài xã hội

Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, toàn Thành phố đã huy động hầu hết các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Bên cạnh đó, thời gian qua, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vũ khí, điển hình: Ngày 18-9-2021, Công an huyện Gia Lâm phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) đã triệt phá chuyên án cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản tại thôn Lã Côi, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội và bắt giữ băng ổ, nhóm lưu manh chuyên nghiệp gồm 6 đối tượng, thu giữ 1 khẩu súng tự chế, 2 tuýp gắn dao, 1 bình xịt hơi cay…

Thời gian tới, khi tình hình dịch Covid-19 dần được kiểm soát, Thành phố từng bước phục hồi các hoạt động giao thương, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, cũng là thời điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, vì vậy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo sẽ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần thực hiện 8 nhiệm vụ trọng. Trong đó, đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng để kiểm tra phòng ngừa các hành vi vi phạm; lấy hiệu quả công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo làm thước đo đánh giá xếp loại hằng năm.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, nhất là tại các địa bàn trọng điểm còn tồn đọng nhiều vũ khí, vật liệu nổ do chiến tranh để lại và địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự bằng nhiều hình thức đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp từng loại đối tượng; vận động toàn dân giao nộp và thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo còn trôi nổi ngoài xã hội, không để tội phạm sử dụng gây án và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo gây ra. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí đối với người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo để khuyến khích, động viên nhân dân tích cực thực hiện.

UBND thành phố cũng yêu cầu, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND các phường, xã, thị trấn đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng địa bàn an toàn, phát hiện và tố giác các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; tổ chức cho các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.