Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 10-2021 tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10-2021 tăng 6,9% so với tháng trước.

Nhiều doanh nghiệp tăng tốc sản xuất

Bước vào đầu quý IV-2021, sản xuất công nghiệp dần khởi sắc khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Do vậy, nhiều DN cũng tăng tốc sản xuất, chạy đua với đơn hàng trong những tháng còn lại của năm. Nếu việc kiểm soát dịch bệnh tiếp tục khả quan, sản xuất công nghiệp trong quý IV-2021 sẽ tăng trưởng cao hơn quý III-2021.

Trong mức tăng chung của IPP 10 tháng năm nay, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5%, đóng góp 3,99 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 10 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước như linh kiện điện thoại tăng 38,8%; thép cán tăng 37,3%; xăng dầu các loại tăng 15,5%; khí hóa lỏng LPG tăng 14,1%; ô tô tăng 12,4%... Ngoài ra, số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm 1-10-2021 tăng 7,7% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 7,9% so với cùng thời điểm năm 2020.

Ông Choi Joo Ho, Tổng GĐ Samsung Việt Nam, cho biết: Năm 2020 Samsung Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 56,5 tỷ USD. Mặc dù năm nay có nhiều khó khăn hơn năm ngoái nhưng với sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ và chính quyền địa phương nên kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua đã tăng trưởng trên 10%.

Đại diện Cty CP Sơn Hải Phòng chia sẻ: Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi cũng hoàn thành kế hoạch đề ra, tăng trưởng doanh thu 6-7%, lợi nhuận cũng như là thu nhập người lao động vẫn đảm bảo vào tầm 22-23 triệu đồng/người/tháng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,82 tỷ USD, chiếm 44,7% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Những con số này cho thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang chứng tỏ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư.

Đơn hàng xuất khẩu quý IV tiếp tục tăng cao

Theo Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, trong quý IV này, một số DN nhận định đơn hàng xuất khẩu quý IV tiếp tục tăng cao và duy trì như quý III. Cụ thể như ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học thì 40,3% DN nhận định, tiếp theo là ngành sản xuất sản phẩm than cốc với trên 40% và dầu mỏ tinh chế và ngành sản xuất thực phẩm trên 38%.

Theo ý kiến một số chuyên gia kinh tế, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục khởi sắc. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Điện tử, dệt may, da giày, chế biến nông sản, thủy sản… được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại. Vì vậy, việc khôi phục sản xuất, tận dụng cơ hội thị trường hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn.

Theo Bộ Công Thương, DN cần thích nghi với trạng thái bình thường mới, nối lại chuỗi sản xuất bên cạnh đó chú trọng kiểm soát dịch bệnh. Phía Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình sản xuất công nghiệp để hướng dẫn các Sở Công Thương, các khu, cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh theo từng cấp độ dịch bệnh.

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm Cục Công nghiệp sẽ tập trung đảm bảo trong công tác an toàn phòng dịch phục vụ sản xuất, kinh doanh; đề xuất hỗ trợ chính sách về tài chính, an sinh xã hội cho DN và người lao động; tập trung cho việc hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ DN…

Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp cũng kiến nghị lãnh đạo Bộ chỉ đạo trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp.

Đăng Quý

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.