Nguyên căn những vụ án mạng do mâu thuẫn gia đình

Đối tượng thường có tâm lý bất ổn, dồn nén tích tụ từ lâu

Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ án giết người khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, lo sợ. Điều đáng nói là mức độ lạnh lùng, nhẫn tâm khi hung thủ không ngần ngại “xuống tay” với cả những người thân.
Hiện trường vụ việc anh trai sát hại em gái ở xã Phú Xuân, TP Thái Bình
Hiện trường vụ việc anh trai sát hại em gái ở xã Phú Xuân, TP Thái Bình

Những mâu thuẫn từ đất đai

Ngày 28-10, UBND xã Phú Xuân, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ án mạng thương tâm khiến một phụ nữ tử vong. Theo thông tin ban đầu, khoảng 13g30 ngày 28-10, chính quyền địa phương nhận tin báo về vụ án mạng xảy ra trên địa bàn.

Theo đó, sáng cùng ngày, Đỗ Trường Giang, SN 1984, trú tại TP Thái Bình về nhà mẹ đẻ tại Khu tái định cư Phú Xuân, xã Phú Xuân, TP Thái Bình.

Trong quá trình nói chuyện, giữa Giang và em gái là chị T, SN 1987, quê xã Phú Xuân, TP Thái Bình đã lấy chồng ở xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình xảy ra mâu thuẫn.

Đỉnh điểm, Giang đã không giữ được bình tĩnh, bóp cổ em gái mình cho đến khi chị T không còn cử động được. Ngay sau đó, người nhà và hàng xóm đã đưa chị T đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Được biết, cả thủ phạm và nạn nhân đều sinh ra ở thôn Đại Lai 2, xã Phú Xuân. Mấy năm trở lại đây giữa Giang và mẹ đẻ xảy ra mâu thuẫn liên quan đến phân chia đất đai. Chị T đã lấy chồng ở huyện khác, có 2 con, 1 cháu đang học tiểu học, 1 cháu mới sinh. Thời gian gần đây chị T và con mới sinh về nhà bố mẹ đẻ chơi.

Được biết, thời điểm xảy ra vụ án mạng vào khoảng 10g45 trưa cùng ngày, đến khoảng 13g30, Giang đến CQCA để đầu thú. Ngay sau đó, CQCSĐT CATP Thái Bình phối hợp với 1 số đơn vị nghiệp vụ CA tỉnh Thái Bình đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi phục vụ công tác điều tra. Hiện vụ việc tiếp tục được điều tra, xử lý.

Trước đó, CQCSĐT CA tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Khắc Tiến, SN 1955, ở thôn 1, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn để tiếp tục điều tra về hành vi giết người. Thông tin sơ bộ từ CA tỉnh Thanh Hóa, gia đình Phạm Khắc Tiến và bà M.T.N, SN 1957, em dâu của Tiến vốn có mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất nông nghiệp.

Chiều tối 27-10, Tiến đạp xe sang nhà bà N, tại đây 2 người cãi nhau. Mâu thuẫn gay gắt, Tiến đã chạy sang cửa hàng bán thịt chó cạnh nhà lấy 1 con dao, chém nhiều nhát vào người bà N, khiến bà tử vong tại cửa nhà.

Chị L.T.P, SN 1998, con dâu bà N đang mang thai 22 tuần, nghe tiếng la hét của mẹ chồng chạy ra thì bị Tiến đuổi chém. Nạn nhân gục trong phòng ngủ.

Sau khi gây án, gã cầm dao và đạp xe về nhà. Những người hàng xóm chạy sang thấy bà N đã tử vong và đưa chị L.T.P đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên thai phụ cũng không qua khỏi. Khi CA vào cuộc điều tra, Phạm Khắc Tiến đã mang theo hung khí gây án ra đầu thú.

Hiện trường vụ việc anh trai sát hại em gái ở xã Phú Xuân, TP Thái Bình
Hiện trường vụ việc anh trai sát hại em gái ở xã Phú Xuân, TP Thái Bình

Tuyên truyền giá trị đạo đức gia đình

Theo dõi các vụ trọng án trên, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cho biết, tội ác trong gia đình là do hiện nay sợi dây kết nối bằng huyết thống và hôn nhân trong mỗi gia đình lỏng lẻo hơn. Con người ta sống vì lợi ích cá nhân, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh… tất yếu dẫn đến một phản ứng dây chuyền trong các thành viên khác.

Đó là con người cùng một gia đình sống lạnh nhạt, vô trách nhiệm với nhau. Trên một nền như thế, nếu phát sinh mâu thuẫn, xung đột, va chạm, xích mích.., họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, vì không quan tâm đến nỗi đau của người khác, dù là người thân dưới một mái nhà.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án giết người thân, theo Trung tá Nguyễn Trung Hiếu, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về giá trị đạo đức truyền thống gia đình, xóm, làng, truyền thống dân tộc...

Định hướng cho giới trẻ xây dựng, hình thành nhân cách đúng đắn; ứng xử phù hợp đạo đức truyền thống của người Việt Nam; phản bác, lên án mạnh mẽ những người có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, đi ngược lại truyền thống gia đình Việt và vi phạm pháp luật… Từ đó, các thành viên trong xã hội nâng cao nhận thức, ứng xử phù hợp hơn, phòng ngừa tội phạm.

Luận bàn về những vụ án mâu thuận gia đình, PGS.TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, BV 103 cho biết: “Giết người là hành vi man rợ, bị lên án và trừng phạt ở tất cả các nền văn hóa.Về góc độ tâm lý tội phạm, có thể chia ra làm 4 kiểu giết người sau: Giết người với mục đích cướp của, trả thù...; Ngộ sát; Giết người tự sát; Xung động giết người.

Trong đó, xung động giết người là hành vi rất nguy hiểm, thủ phạm có thể giết một hoặc nhiều người một cách tàn bạo. Họ không cảm thấy ghê tay khi hành động và cũng không dừng lại khi giết đến người cuối cùng. Sau khi giết người, họ có thể tìm cách xóa dấu vết, thái độ lạnh lùng, dửng dưng khiến mọi người sau này sẽ bị bất ngờ khi biết đó là thủ phạm.

Các sát thủ này thường có trình độ văn hóa trung học cơ sở hoặc cao hơn. Họ không hề có ý định giết người trước đó nên không chuẩn bị trước hung khí. Khi xuất hiện một va vấp nhỏ với nạn nhân, họ vớ lấy bất cứ thứ gì trong tầm tay để làm hung khí như dao, cành cây, dây thừng, tảng đá...

“Dù là do nguyên nhân gì dẫn đến hành vi gây chết người thì họ cũng đáng bị trừng phạt. Khi xét xử tội của họ, tòa có tính đến các yếu tố bệnh lý tâm thần để xem xét giảm nhẹ tội cho họ. Dù sao đi nữa thì người chết cũng không bao giờ sống lại được. Xã hội cần tìm và triển khai các biện pháp ngăn chặn, tránh để các trường hợp đáng tiếc xảy ra”, PGS.TS Bùi Quang Huy cho biết thêm.

Anh trai sát hại em gái mới sinh con ở Thái Bình
Vì đâu anh chồng lại sát hại em dâu và cháu dâu đang mang bầu?

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.