Thị trường chứng khoán vừa phá kỉ lục 21 năm:

Lời khuyên của chuyên gia trong bối cảnh chứng khoán phá kỉ lục

Phiên giao dịch ngày 27-10 đã lập được kỳ tích: VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử hồi tháng 7 nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu blue-chips. Gần như toàn thị trường tăng cực mạnh cho thấy sức hấp dẫn của nhóm trụ trong vai trò hỗ trợ tâm lý.
Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý; mua và mở mới vị thế khi các cổ phiếu giảm về những ngưỡng hỗ trợ mạnh hoặc tích lũy ngắn hạn, đồng thời tránh việc mua đuổi
Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý; mua và mở mới vị thế khi các cổ phiếu giảm về những ngưỡng hỗ trợ mạnh hoặc tích lũy ngắn hạn, đồng thời tránh việc mua đuổi

Một năm với hàng loạt kỷ lục

VN-Index đã thiết lập kỷ lục mới khi đạt 1.423,02 điểm sau khi tăng mạnh 31,39 điểm trong ngày 27-10. Mốc này đã vượt mức cao nhất của VN-Index ghi nhận hồi đầu tháng 7 năm nay là 1.420 điểm.

Khối lượng giao dịch phiên này đạt hơn 936,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 28.379 tỷ đồng. Toàn sàn có tới 355 mã tăng giá, trong khi có 95 mã giảm giá và 42 mã đứng giá.

Trên sàn Hà Nội, HNX- Index cũng tăng 6,56 điểm lên 404,37 điểm với khối lượng giao dịch đạt hơn 152,1 triệu đơn vị, tương ứng trên 4.107,6 tỷ đồng; Toàn sàn có 149 mã tăng giá, 88 mã giảm giá và 114 mã đứng giá.

Trên sàn HoSE, số cổ phiếu tăng giá hôm nay nhiều gấp 3,7 lần số cổ phiếu giảm giá. Gần 130 cổ phiếu tăng hơn 2% giá trị. Sàn HNX cũng có số mã tăng gấp 1,7 lần số giảm, 90 mã tăng trên 2%. Các con số này nói lên rằng hôm nay là một phiên tăng bùng nổ trên diện rộng.

Chỉ số UPCOM- Index phiên này cũng tăng 0,79 điểm lên 102,67 điểm; Khối lượng giao dịch đạt hơn 140,4 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.784 tỷ đồng; Toàn sàn có 255 mã tăng, 88 mã giảm giá và 556 mã đứng giá.

Sau chuỗi phiên bán ròng, phiên 27-10 khối ngoại cũng trở lại mua ròng mạnh 1.020,78 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng 47,39 tỷ đồng trên HNX.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh mẽ, trong đó điểm nhấn là cả 30 mã trong rổ VN30 đều tăng giá: GAS tăng trần, MSN tăng 5,2%, KDH tăng 4,2%, PNJ tăng 3,7%, MWG tăng 3,1%, VIC tăng 3%, VHM tăng 2,9%, VRE tăng 2%...

Theo số liệu từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước, tính đến hết cuối tháng 8-2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức vốn hóa 8.100.667 tỷ đồng, tương đương 138,6% GDP, tăng 21,27% so với cuối năm 2020.

Khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh, đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 207.171 hợp đồng/phiên, tăng 32%; đối với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, khối lượng đạt 18,78 triệu chứng quyền/phiên, tăng 59%.

Trong 9 tháng năm 2021, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đạt 957.215 tài khoản, trong khi tổng số tài khoản mở mới 3 năm liên tiếp 2018, 2019 và 2020 cộng lại chỉ đạt 837.345 tài khoản.

Nhà đầu tư cần làm gì?

Cty cổ phần chứng khoán MB (MBS) cũng khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục quan sát diễn biến ở nhóm cổ phiếu bluechips (những cổ phiếu nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và mang tính dẫn dắt thị trường) để có thêm tín hiệu xác nhận thị trường đã kết thúc nhịp điều chỉnh hay chỉ là phiên phục hồi mang tính kỹ thuật. MBS đánh giá thời gian tới, thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 10-8, cùng với đầu tư công và kỳ vọng kinh tế phục hồi trên diện rộng trong 2022.

Trong khi các nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục là động lực chính của thị trường với tỷ lệ gia nhập thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, các nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ quay trở lại, nhờ triển vọng ổn định trong xu thế tăng giá của đồng Việt Nam, bên cạnh sự tham gia tích cực của các quỹ ETF (quỹ đầu tư thụ động).

Chuyên gia của Cty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, diễn biến gần như đi ngang của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 8 và tháng 9 phù hợp bối cảnh vĩ mô và không cho thấy sự phản ứng quá đà. Chiến lược phòng chống dịch của Chính phủ linh hoạt hơn, chuyển từ “Không Covid-19’’ sang “Sống chung với Covid-19” gợi mở kỳ vọng khôi phục và phát triển kinh tế nhanh trở lại sẽ tháo gỡ nút thắt tâm lý cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong thời điểm hiện tại. Tâm lý thị trường cho thấy, sự ổn định nhờ các số liệu vĩ mô được hấp thụ dần theo tháng và cũng không nằm ngoài dự đoán.

Theo các chuyên gia từ SSI, trong khi triển vọng lợi nhuận các ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa như bán lẻ, bia, ôtô, xe máy, dầu khí và ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều từ đợt giãn cách, một số ngành lại được hưởng lợi từ giá hàng hóa đã có mức tăng mạnh kể từ đầu năm như sắt thép, đường, phân bón, hóa chất. Vận tải container và một số ngành liên quan đến xuất khẩu cũng dự kiến có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan.

Theo Cty cổ phần Chứng khoán Everest, những điều xấu nhất đã đi qua trong tháng 9, nhưng nền kinh tế và thị trường chứng khoán cần thời gian để tích lũy, dần hồi phục trở lại. Nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong quý IV-2021. Qua đó, phân bổ và tích luỹ cổ phiếu trở lại trước khi thị trường đón nhận những dấu hiệu rõ ràng và chắc chắn hơn cho việc hồi phục sản xuất kinh doanh và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế giai đoạn những tháng cuối năm 2021.

Chuyên gia từ CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho hay, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và nới lỏng chính sách tiền tệ khắc phục ảnh hưởng tiêu cực dịch Covid-19 và hỗ trợ tăng trưởng là những yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường. Nhà đầu tư có thể cân nhắc ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư công như xây dựng hạ tầng, nguyên liệu để giải ngân như: Đá, thép, xi măng, nhựa đường… Những ngành này sẽ được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc nắm giữ các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ mở cửa nền kinh tế như: bán lẻ, vận tải, sản xuất và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như công nghệ thông tin – bưu chính viễn thông. Dù vậy, để đảm bảo an toàn, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý; mua và mở mới vị thế khi các cổ phiếu giảm về những ngưỡng hỗ trợ mạnh hoặc tích lũy ngắn hạn, đồng thời tránh việc mua đuổi.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng năm nay ước tính đạt 292,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.042 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt đạt 10.948 tỷ đồng/phiên, tăng 5,3%.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.