Vụ thế chấp clip khiêu dâm để vay tiền rồi đi bán dâm trả lãi:

Các đối tượng có thể bị xử lý cùng lúc 2 tội danh

Luật sư đánh giá, việc CQCA khởi tố các bị can về 2 tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Cưỡng đoạt tài sản” là đúng quy định.
Cặp vợ chồng Nguyễn Thị Vân Anh và Đào Quốc Huy
Cặp vợ chồng Nguyễn Thị Vân Anh và Đào Quốc Huy

Một thủ đoạn mới cho vay lãi nặng

Ngày 24-10, CQCSĐT CA quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Vân Anh, SN 1992, trú tại phường Thổ Quan, quận Đống Đa, TP Hà Nội; Bùi Ngọc Thủy, SN 1984, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa và Khương Thị Tuyến, SN 1992, trú tại quận Long Biên, Hà Nội để điều tra về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Ngoài ra Nguyễn Thị Vân Anh còn bị khởi tố thêm tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trước đó, qua công tác kiểm tra hành chính, CA quận Nam Từ Liêm phát hiện Nguyễn Thị N, trú tại Nghệ An đang có hành vi mua bán dâm tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Ngoài trực tiếp bán dâm, N còn tham gia môi giới mại dâm.

Tại CQCA, N khai cô phải “hành nghề” này là để có tiền trả lãi hàng ngày. Bởi vì trong thời gian từ tháng 1-2021, N vay tiền thông qua hình thức “bốc bát họ”, vay lãi ngày của Nguyễn Thị Vân Anh và Đào Quốc Huy; Bùi Ngọc Thủy, Khương Thị Tuyến và Nguyễn Huy Hiển ở khu vực quận Long Biên. Tổng số N. đã bốc 12 bát họ của 2 nhóm này.

Theo CA quận Nam Từ Liêm, để được “bốc bát họ” và vay lãi ngày, các đối tượng yêu cầu khách vay đưa “tài sản thế chấp” là ảnh chân dung, CMND, ảnh giao diện trên Facebook cá nhân và các hình ảnh, video (clip) riêng tư nhạy cảm, mang tính chất khiêu dâm để làm tài liệu khống chế. Nếu con nợ có dấu hiệu bỏ trốn hoặc không thanh toán đúng hạn, các đối tượng sẽ dùng hình ảnh, video đó để uy hiếp đe dọa, đăng ảnh khiêu dâm lên mạng xã hội hoặc gửi cho gia đình.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện thông qua tài khoản cá nhân trên trang web mecash.vn, vợ chồng Vân Anh đã cho gần 1.000 người vay lãi với tổng số tiền lên đến hơn 5 tỷ đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động này là hơn 1,3 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Vân Anh còn bị khởi tố thêm tội danh Cưỡng đoạt tài sản
Nguyễn Thị Vân Anh còn bị khởi tố thêm tội danh Cưỡng đoạt tài sản

Một lúc phạm hai tội

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là một thủ đoạn mới của các đối tượng cho vay nặng lãi. Theo quy định của Bộ luật dân sự, “thế chấp tài sản” là một trong những biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, tài sản thế chấp thường là vật hoặc quyền tài sản, phải có các thuộc tính là có thể quản lý, sử dụng, định đoạt.

Trích dẫn Điều 469, Bộ luật Dân sự năm 2015, luật sư Thái cho biết, lãi suất vay trong giao dịch dân sự là do các bên thỏa thuận, song không được quá 20%/năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu các bên thoả thuận mức lãi suất theo thỏa thuận vượt giới hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Do vợ chồng Vân Anh cho vay với lãi suất lên tới 730% mỗi năm (gấp gần 40 lần mức lãi suất giới hạn), việc họ bị khởi tố về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là có cơ sở. “Theo Khoản 2, Điều 201 BLHS 2015, người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất theo quy định trong giao dịch dân sự mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến một tỷ đồng hoặc đối diện mức án tối đa 3 năm tù”, luật sư Thái cho hay cho rằng, ngoài hành vi trên, việc các bị can đe dọa đăng tải hình ảnh nhạy cảm của con nợ lên mạng còn có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trích dẫn Điều 170, BLHS năm 2015, luật sư Thái cho biết, người nào dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù 1-5 năm. Trường hợp tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên, tùy thuộc các tình tiết định khung, mức án tối đa người phạm tội phải đối mặt là 20 năm tù.

Trường hợp này, vợ chồng Vân Anh đã sử dụng thủ đoạn uy hiếp tinh thần là thu thập clip nóng và đe dọa đăng tài hình ảnh của họ lên mạng xã hội để uy hiếp, buộc con nợ phải trả tiền. Quá trình điều tra, CQCA sẽ làm rõ số tiền họ đã thu về từ các nạn nhân, qua đó xác định tình tiết định khung hành vi phạm tội phù hợp.

Trường hợp, CQĐT có căn cứ cho thấy các đối tượng cho vay tài sản đã đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay để buộc người vay phải quan hệ tình dục (giao cấu) trái ý muốn đối với người khác, đây là hành vi cưỡng dâm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 143, BLHS năm 2015.

“Hành vi này được xác định là động cơ đê hèn. Việc tung những ảnh khỏa thân, những clip nhảy cảm của nạn nhân là nữ, trẻ tuổi, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, đến hạnh phúc gia đình của nạn nhân. Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng quyền nhân thân, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân và gây ra nhiều hậu liên hệ lụy tiêu cực cho xã hội”, luật sư Thái nêu ý kiến và cho rằng, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ để xử lý nghiêm minh hành vi của các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, mức lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Trường hợp cho vay tiền mà lãi suất vượt quá 5 lần mức nhà nước quy định và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201, BLHS năm 2015.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.