Giải pháp ổn định sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn

Sau khoảng vài tuần giảm sâu, hiện giá lợn hơi đã tiệm cận mức gần 50 nghìn đồng/kg, dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, với mức giá hiện nay người chăn nuôi vẫn chưa có lãi do giá con giống và thức ăn thời gian qua tăng cao.
Giải pháp ổn định sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn

Bộ NN&PTNT đang thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích nông dân tái đàn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm.

Người chăn nuôi vẫn chưa có lãi

Giá lợn hơi trong ngày 25-10, tại khu vực miền bắc dao động trong khoảng 36 nghìn - 42 nghìn đồng/kg. Điều chỉnh tăng 1 nghìn đồng/kg so với thời điểm cuối tuần trước đó. Tại khu vực miền nam hôm nay giá lợn hơi dao động trong khoảng 37 nghìn - 40 nghìn đồng/kg, đi ngang so với cuối tuần trước.Tương tự, giá lợn hơi tại khu vực miền trung, Tây Nguyên đang dao động trong khoảng 35 nghìn - 39 nghìn đồng/kg.

Theo các tiểu thương, tại các lò mổ giá lợn hơi hiện đang lên mức 55 nghìn - 58 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng/kg so với thời điểm cách đây vài ngày. Đối với thịt lợn móc hàm, giá ngày 24-10 ở mức 65 nghìn đồng/kg thì ngày 25-10 tăng lên mức 70 nghìn đồng/kg.

Khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội như: chợ Nghĩa Tân, chợ Thành Công, chợ Đồng Xa, chợ Bách Khoa… giá thịt lợn đã tăng trở lại, trung bình 10 nghìn đồng/kg. Cụ thể, thịt vai đầu, sườn thăn, ba rọi, thịt giò ở mức 120 nghìn - 130 nghìn đồng/kg, thịt mông sấn,… ở mức 90 nghìn đồng/kg.

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (Bộ NN&PTNT) chiều 25-10, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, do tình hình dịch Covd -19 phức tạp khiến lượng tiêu thụ thịt lợn giảm, người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30% (tương đương khoảng 1,5 triệu con)... nên giá bán lợn giảm đáng kể.

“Thông thường lợn hơi xuất chuồng ở trọng lượng trên dưới 100 kg, nhưng nếu nuôi giai đoạn trên 120 kg thì tăng trọng lúc này chủ yếu là mỡ, nên khối lượng lợn càng lớn thì giá lợn hơi xuất chuồng càng thấp. Chu kỳ sản xuất của lợn rất dài, nên khi thị trường thay đổi bất thường thì sản xuất không thể thay đổi kịp trong thời gian ngắn”, ông Trọng cho hay.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá thịt lợn đã ngưng đà giảm. “Trong 2-3 ngày qua, giá thịt lợn xuất chuồng đã tăng trở lại khoảng 5 nghìn đồng đến 6 nghìn đồng/kg. Đến hôm nay, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước dao động từ 36 nghìn đồng - 45 nghìn đồng/kg. Dự kiến khoảng 2 tuần tới, giá lợn hơi tiếp tục tăng ở mức ổn định, bảo đảm có lãi cho người chăn nuôi”, ông Toản nhấn mạnh.

Theo đại diện Cục Thú y, trong 8 tháng năm 2021, nước ta chỉ nhập 214.000 tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn là 112.000 tấn, còn thông tin nhập 256.000 tấn thịt lợn là không chính xác, với tỷ lệ nhập khẩu thịt lợn 8 tháng năm 2021 chỉ chiếm 3,6% sản lượng thịt heo trong nước, do đó, việc nhập khẩu thịt lợn không ảnh hưởng đến việc giá thịt lợn giảm mạnh thời gian qua.

Giải pháp ổn định sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT đang thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích nông dân tái đàn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, kết nối lưu thông 2 miền Nam - Bắc.

Đặc biệt, để duy trì sản xuất, đảm bảo chăn nuôi lợn tăng trưởng ổn định, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có.

Cùng với đó, tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương như cám, ngô, sắn… tự phối trộn để giảm giá thành; đồng thời, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh đỡ rủi ro trong chăn nuôi, giảm chi phí trong khâu nuôi.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến, Bộ cũng xây dựng quy định và chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN đầu tư công nghệ cao theo chuỗi về giống, thức ăn, sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ như Masan, Dabaco, CP, Japfa, Deuh,… phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất.

Bộ Công thương cần hướng dẫn triển khai cùng các địa phương sớm mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối khi bảo đảm an toàn dịch bệnh để kịp thời tổ chức tiêu thụ đồng bộ có hiệu quả chuỗi cung ứng thịt; tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, giám sát thị trường để ngăn chặn hiện tượng trục lợi khi giá lợn hơi đã giảm sâu nhưng giá bán lẻ còn quá cao. Đồng thời, nghiên cứu việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thịt lợn đông lạnh nhập khẩu.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.