Độc đáo nghề dệt lụa tơ sen

Dưới bạt sen vươn mình đón nắng đầu đông, những cuống sen non xanh, mươn mướt được Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận khéo léo se sợi, từng sợi tơ nhỏ mềm gieo bao ký ức về nghề dệt truyền thống.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận với sản phẩm khăn lụa tơ sen. Ảnh NVCC
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận với sản phẩm khăn lụa tơ sen. Ảnh NVCC

Làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) từ bao đời nay nổi tiếng với nghề dệt truyền thống. Say mê tình yêu với nghề, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã dày công nghiên cứu ứng dụng của tơ sen và sản phẩm lụa tơ sen được hình thành từ chính những ý tưởng táo bạo.

Hình ảnh những cuống sen sau khi được lấy về bó tròn cẩn thận, tiếp đến là công đoạn người thợ khéo léo cắt từng khúc ngắn rồi nhanh tay xoắn lại kéo tơ, se thành từng sợi tơ nhỏ. Sợi tơ sen mềm, mỏng có tính đàn hồi tốt được mắc vào khung cửi quay tơ. Qua nhiều công đoạn khác nhau, thành phẩm là dải lụa tơ sen có màu trắng ngà, óng ả, thơm thoảng hương sen mà hiếm có sản phẩm thủ công nào thay thế.

Theo lời kể của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận – người đầu tiên nghiên cứu nghề dệt lụa tơ sen và ứng dụng tơ sen trong ngành dệt truyền thống tại Việt Nam cho hay, việc chọn lựa cuống sen có vai trò quan trọng để tạo ra thành phẩm lụa tơ sen chất lượng. Loại cuống sen nào cũng làm được tơ sen nhưng nếu chọn được cuống non, cuống lá bánh tẻ, cuống hoa, cuống nụ sẽ cho sợ tơ dẻo, đẹp, dễ làm. Công đoạn lấy tơ sen đòi hỏi người thợ tỉ mỉ, se sợi tơ đều để khi quay vào khung sẽ không bị xoắn lại, đứt đoạn. Công đoạn cuối cùng là dệt thành từng tấm trên máy. Để tạo ra thành phẩm một chiếc khăn lụa từ tơ sen dài 1,7m phải mất 4.800 cuống sen và thời gian xấp xỉ gần một tháng để hoàn thành. Tính ra, những người thợ thạo việc một ngày có thể rút trung bình 200 cuống sen.

Nhờ sự độc đáo, khác biệt mà làng nghề dệt truyền thống Phùng Xá đã tạo được tiếng vang trong nghề dệt lụa. Sản phẩm lụa tơ sen không chỉ là hành trình sáng tạo mà còn trở thành biểu tượng giữ gìn hồn cốt Việt.

Ngoài việc sáng tạo sản phẩm từ lụa tơ sen, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận có những sáng tạo như cho tằm làm “thợ” để chúng tự dệt nên những tấm kén phẳng, tạo thành các tấm chăn, đệm thủ công độc đáo.

Đam mê với nghề dệt truyền thống, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã mở nhiều lớp đào tạo cho giới trẻ. Cơ sở sản xuất đến nay tạo công ăn việc làm thời vụ cho 1.500 lao động tại địa phương, trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc bảo tồn và khôi phục nghề dệt truyền thống.

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.