Tranh chấp hợp đồng xây dựng nhà máy thủy điện Bản Rạ:

Vì sao Tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm?

TAND cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên tòa phúc thẩm xem xét vụ tranh chấp hợp đồng xây dựng nhà máy thủy điện Bản Rạ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Cty CP Thủy điện Đông Bắc có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Bản Rạ tại huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Cty gồm các cổ đông: DN xây lắp điện Tuyến Nga sở hữu 33% vốn, ông Ngôn Trung Tuyến 9%, Cty CP Khoáng sản và công nghiệp Cao Bằng 38%, ông Trần Minh Loan 10%, bà Hà Thị Hương 10%.

Ngày 25-6-2008, Cty CP Thủy điện Đông Bắc ký hợp đồng thi công xây dựng với DN Tuyến Nga với tổng giá trị là 77 tỷ đồng. Năm 2010, các bên sửa đổi, bổ sung các điều khoản hợp đồng thi công xây dựng, giá trị tăng thêm là 268 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện, DN Tuyến Nga đã thi công xong. Công trình nhà máy thủy điện Bản Rạ đã đi vào hoạt động. Cty CP Thủy điện Đông Bắc mới thanh toán số tiền 130 tỷ đồng. Năm 2014, DN Tuyến Nga khởi kiện, yêu cầu Cty Đông Bắc và các cổ đông phải liên đới thanh toán số tiền còn nợ là 137 tỷ đồng và tiền lãi.

Cùng với đơn khởi kiện, DN Tuyến Nga còn cung cấp tài liệu gồm biên bản họp đại hội cổ đông bất thường năm 2008 ngày 6-6-2008 của Cty Thủy điện Đông Bắc; hợp đồng thi công ký ngày 25-6-2008; biên bản họp đại hội cổ đông bất thường ngày 16-11-2010 của Cty Thủy điện Đông Bắc; phụ lục hợp đồng thi công xây dựng số 01 năm 2010, các biên bản nghiệm thu công việc xây dựng và một số công văn giao dịch kèm theo.

Năm 2019, TAND tỉnh Cao Bằng đã chấp nhận đơn khởi kiện, buộc Cty CP Thủy điện Đông Bắc và các cổ đông phải thanh toán cho DN Tuyến Nga số tiền 229 tỷ đồng.

Nếu theo bản án sơ thẩm, DN Tuyến Nga cũng là cổ đông Cty Đông Bắc sẽ phải trả nợ cho "chính mình". Sau đó, Cty Khoáng sản Cao Bằng và các cổ đông khác kháng cáo toàn bộ bản án trên. Các cổ đông này tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo đơn kháng cáo, các tài liệu do DN Tuyến Nga cung cấp và được ông Ngôn Trung Tuyến – GĐ Cty CP Thủy điện Đông Bắc ký là lập khống, giả mạo và không có thực (chữ ký của cổ đông Trần Minh Loan cũng bị làm giả).

Ngoài ra, tòa sơ thẩm còn có sai phạm như không thu thập chứng cứ tại Ngân hàng BIDV, là tổ chức tín dụng nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai và cho vay vốn dự án để xác định khối lượng đã nghiệm thu, khối lượng tiền giải ngân để xác định giá trị dự án, giá trị công nợ… Tòa sơ thẩm không tiến hành định giá tài sản, thẩm định giá để xác định về chất lượng, khối lượng và giá trị tài sản…

Đặc biệt, theo cổ đông Cty khoáng sản Cao Bằng thì họ chỉ được biết Hợp đồng thi công xây dựng số 33 ngày 25-11-2007 giữa Cty Thủy điện Đông Bắc với DN Tuyến Nga có giá trị 50 tỷ đồng.

Tại tòa, các cổ đông giao nộp thêm chứng cứ là các biên bản nghiệm thu cùng một khối lượng nhưng thời điểm và giá trị khác nhau. Cụ thể, chỉ tính riêng hạng mục Cụm nhà máy và bể áp lực chênh lệch tăng 119,7 tỷ đồng, hạng mục Kênh thượng lưu chênh lệch tăng 12 tỷ đồng.

Sau khi xem xét, tòa phúc thẩm nhận định, Cty Khoáng sản Cao Bằng đã có đơn tố cáo trong nhiều năm rồi lại rút đơn và đến nay vẫn chưa có kết luận của cơ quan chức năng.

Do đó, Tòa phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo nhưng sửa bản án sơ thẩm theo hướng chỉ buộc Cty Thủy điện Đông Bắc thanh toán tiền cho DN Tuyến Nga.

Tranh chấp hợp đồng là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến giữa các bên tham gia quan hệ hợp đồng liên quan đến việc thực hiện (hoặc không thực hiện) các quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng.

Tranh chấp hợp đồng là ý kiến không thống nhất của các bên về việc đánh giá hành vi vi phạm hoặc cách thức giải quyết hậu quả phát sinh từ vi phạm đó (trong khi vi phạm hợp đồng là hành vi đơn phương của một bên đã xử sự trái với cam kết trong hợp đồng).

Tranh chấp hợp đồng đòi hỏi phải được giải quyết thỏa đáng bằng một phương thức chọn lựa phù hợp để nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp, vừa đảm bảo trật tự pháp luật và kỷ cương xã hội, giáo dục được ý thức tôn trọng pháp luật của công dân, góp phần chủ động ngăn ngừa các vi phạm hợp đồng.

Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp hợp đồng phải đảm bảo nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật.

Quyết định giải quyết các tranh chấp hợp đồng phải có tính khả thi cao, thi hành được và quá trình giải quyết phải đảm bảo tính dân chủ và quyền tự định đoạt của các bên với chi phí giải quyết thấp.

Tranh chấp hợp đồng có thể được giải quyết bằng các phương thức khác nhau: hòa giải, trọng tài hay Tòa án.

Bảo An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.