Ngày về rất gần của người đàn bà suýt mất mạng vì ma túy

Dáng người thanh mảnh và một đôi mắt luôn nhìn xa xăm như toan tính và hối tiếc, người đàn bà suýt mất mạng vì ma túy Đào Thị Nguyện, SN 1964, có hộ khẩu thường trú tại Vũ Thư, Thái Bình tâm sự rằng cuộc đời của bà ta mất nhiều hơn được. Nhìn dáng vẻ cam chịu của người phụ nữ nhỏ bé này, mấy ai biết rằng bà ta là đối tượng trong đường dây ma túy của Vũ Xuân Trường từng gây chấn động dư luận một thời.
Phạm nhân Đào Thị Nguyện bảo rằng ngày về cũng đã rất gần
Phạm nhân Đào Thị Nguyện bảo rằng ngày về cũng đã rất gần

Quá khứ muốn quên

Quê gốc ở Hưng Yên nhưng vì “lấy chồng thì phải theo chồng”, vì thế mà Nguyện có hộ khẩu thường trú tại Vũ Thư, Thái Bình. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, Nguyện về phố Đại La, TP Hà Nội sinh sống với nghề buôn bán giày dép, đó cũng là con đường để người đàn bà này dấn thân vào con đường mua bán ma túy.

Tham gia vào đường dây ma túy do Vũ Xuân Trường, một cán bộ cầm đầu, Nguyện chỉ đóng vai trò như một anh “kép” phụ trong vở diễn. Thế nên khi đường dây này bị lộ tẩy, hàng chục đối tượng trong nước có, ngoài nước có, thậm chí nhiều đối tượng là cán bộ đều lần lượt bị bắt thì Nguyện lại lọt lưới. Có thể cái dáng vẻ lam lũ, tần tảo với nghề buôn bán dép, trông Nguyện đúng là người lao động chân chất hiền hành, chẳng có dáng gì là kẻ buôn ma túy, với những phi vụ thu lời hàng trăm triệu đồng. Sự tinh quái núp vẻ bề ngoài lam lũ, Nguyện nằm im một thời gian và thực sự kiếm sống đúng bằng cái nghề đã chọn.

Cứ tưởng sau cú thoát hiểm ấy, bà ta sẽ cắt đứt mọi liên lạc với những mối quan hệ trước kia và kiếm sống bằng nghề lao động chân chính. Thế nhưng thực chất đó chỉ là ngụy tạo. Chỉ đến khi Đỗ Thị Ngọc, một chân dài thứ thiệt nổi tiếng ăn chơi đất Hà thành với biệt danh “đại nương” bị bắt vì buôn bán ma túy thì người ta mới hay người đàn bà xinh đẹp này chính là cháu ruột của Nguyện và thực chất vẫn đang tồn tại một đường dây ma túy từ các mối quan hệ của Nguyện, chỉ là đổi vai từ người dì sang cô cháu ruột mà thôi. Sau một thời gian điều tra, lực lượng chức năng đã có đủ cơ sở khẳng định Đào Thị Nguyện tham gia buôn bán, vận chuyển hơn 100 bánh heroin. Với chiến tích này, Nguyện bị tuyên án tử hình.

Tâm sự với chúng tôi, Nguyện bảo mọi chuyện xảy ra lâu rồi nên không muốn nhắc lại nữa và mong quá khứ được ngủ quên. Thế nhưng quãng thời gian nằm buồng biệt giam, chờ ngày ra pháp trường thì dù cho muốn quên đi Nguyện vẫn không sao quên được. Nguyện bảo thi thoảng vẫn mơ về thời gian khoác áo tử tù, cảm giác sợ hãi khiến bà ta run rẩy, rấm rứt khóc tới khi nước mắt ướt đầm gối mới sực tỉnh biết là mơ. Những khi ấy, Nguyện thấy cuộc sống thật đáng quý biết bao và dù thời gian sống trong trại cải tạo đã gần hai chục năm rồi vẫn không còn cảm thấy đằng đẵng, buồn chán nữa.

Dường như rất xúc động về ký ức khó quên ấy, bà ta tâm sự rất thật rằng ngày sống trong buồng biệt giam dành cho tử tù, đã rất nhiều lần Nguyện ao ước được quay “cuộc sống nghèo khó trước kia với nghề buôn giày dép mà có vợ có chồng, con cái ríu rít xum vầy”. Rồi Nguyện nghĩ đến việc làm của mình, biết khó tránh khỏi tội chết thì lòng dạ lại thấp thỏm, sợ hãi.

Bà ta kể rằng thời gian đó không dám ngủ nhiều vì không biết lúc nào sẽ bị đưa đi trả án và để trấn an lòng mình, Nguyện đã cầu kinh, đã niệm phật và ngày nào cũng thành tâm sám hối với hy vọng sẽ có một điều kỳ diệu đến với mình. Và mong mỏi của Nguyện đã trở thành hiện thực khi đơn xin tha tội chết của Nguyện được Chủ tịch nước chấp thuận. Thoát án tử hình và nhận về bản án chung thân song với Nguyện, được sống là một đặc ân lớn mà bà ta có được nên phải tận dụng và trân trọng.

Quyết tâm cải tạo tốt để có cơ hội trở về

Về trại giam Quyết Tiến cải tạo, Nguyện lao động ở đội đính hạt cườm. Công việc xem ra không phù hợp lắm với một người có tuổi như Nguyện nhưng chị ta vẫn cố gắng cho dù lắm lúc cũng thấy khó theo kịp chị em trong đội vì mắt kém. Hỏi Nguyện sao không xin đổi sang đội khác lao động, chị ta cười: “Sang đội khác làm lại nắng nôi mà tôi thì bị cao huyết áp, làm việc ngoài trời không quen, nhỡ lăn đùng ra đấy rồi lại khổ cán bộ”.

Được biết Nguyện và cô cháu gái Đỗ Thị Ngọc cũng cải tạo cùng phân trại nhưng khác đội lao động nên thi thoảng hai dì cháu cũng nhìn thấy nhau. “Tôi với Ngọc cùng phân trại, cũng làm cùng một công việc là đính hạt cườm nhưng hai dì cháu lao động ở hai đội khác nhau, sống cũng hai buồng khác nhau nên chỉ nhìn thấy nhau mỗi khi đi lao động. Hàng ngày được nhìn thấy nhau, thấy vẫn đi làm đều nghĩa là khỏe mạnh là mừng rồi. Mỗi khi ánh mắt chạm nhau, chúng tôi chỉ biết gật đầu hoặc giơ tay vẫy, được thế là mừng rồi”, Nguyện kể.

Nói về cuộc sống trong trại giam, Nguyện kể về những người bạn cùng buồng và nỗi nhớ nhà, nhớ các con, những lần chứng kiến cảnh bạn tù buồn vui khi nhận được tin gia đình, lòng lại thắc thỏm không yên. Dường như không muốn nói nhiều về gia đình, Nguyện chỉ nói đại khái rằng thi thoảng con cháu có vào thăm, khi nào bận quá thì gửi tiền ký quĩ qua bưu điện...

Đã từng đi qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, rồi những ngày sống chạm cửa ngõ thần chết nên với Nguyện cuộc sống trong trại dù có thiếu thốn, vất vả, cô đơn,…cũng chẳng thấm vào đâu nếu đem so sánh với việc được sống. Thế nên Nguyện tận dụng từng tý thời gian. Chị ta kể rằng những ngày nghỉ cuối tuần không phải đi lao động, Nguyện lại lên thư viện mượn sách về đọc hoặc viết thư về nhà, nếu không thì nằm xem tivi, nghe thời sự để “sau này có được ra trại cũng không bỡ ngỡ với thời cuộc”.

“Năm 2016 tôi được xét giảm án từ tù chung thân xuống án có thời hạn nhưng đợt đặc xá vừa qua lại không đủ điều kiện được xét đặc xá. Tôi rất tiếc nhưng với những lần được giảm án, ngày trở về của tôi cũng đã rất gần rồi”, Nguyện tâm sự. Từng trải qua những đêm trắng, sợ tiếng mở khóa cửa phòng giam lách cách vào lúc sáng sớm, hẳn Nguyện chưa thể quên những ký ức hãi hung đó song điều mà chúng tôi cảm nhận được rằng người đàn bà này đang khao khát quay lại con đường lương thiện cho dù đã muộn màng.

Nguyễn Vũ - Hà My

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.