Nghi phạm sát hại bố mẹ và em gái ở Bắc Giang khó thoát án tử hình

Luật sư cho biết nghi phạm Trần Văn Hiếu khó thoát án tử vì có dấu hiệu vi phạm 2 điểm của khoản 1 Điều 123 BLHS 2015.
Trần Văn Hiếu bị lực lượng chức năng bắt giữ sau 2 ngày gây án
Trần Văn Hiếu bị lực lượng chức năng bắt giữ sau 2 ngày gây án

Đối tượng có tiền án về tội “Cố ý gây thương tích”

Ngày 24-10, Phòng CSHS CA tỉnh Bắc Giang cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ Trần Văn Hiếu, SN 1974, trú xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; hộ khẩu tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn sau 2 ngày gây án ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, cách hiện trường gây án khoảng 300 km.

Hiện, các đơn vị đang dẫn giải Trần Văn Hiếu về trụ sở CA tỉnh Bắc Giang để điều tra, làm rõ các tình tiết liên quan. Cùng ngày CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam đối với đối tượng Trần Văn Hiếu để tiếp tục điều tra về tội Giết người.

Trước đó, CA huyện Lạng Giang nhận tin báo tại thôn Tuấn Mỹ, xã Tân Thanh xảy ra vụ án mạng khiến 3 người trong 1 gia đình thiệt mạng. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định nghi phạm là Trần Văn Hiếu đã ra tay sát hại bố, mẹ và em gái ngay tại sân nhà rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Danh tính các nạn nhân được xác định là ông Trần Định L, SN 1949, bà Bùi Thị Th, SN 1949 và chị Trần Thị Th, SN 1976, cùng trú tại thôn Tuấn Mỹ, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang. Các nạn nhân là bố, mẹ và em gái ruột của Hiếu.

Vụ việc xảy ra sau 9 ngày khi Trần Văn Hiếu được trở về nhà - y chấp hành xong bản án 6 năm tù về tội Cố ý gây thương tích với chính người vợ của mình.

Hiện trường vụ án mạng
Hiện trường vụ án mạng

Xác định động cơ gây án

Trao đổi về vụ thảm án trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, hành vi phạm tội của nghi phạm gây ra vụ thảm án là đặc biệt nghiêm trọng, tước đoạt đi quyền được sống của nhiều người. Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người đã được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật.

Hành vi của đối tượng đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật nghiêm trọng với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Giết nhiều người, có tính chất côn đồ, giết người mà người phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng...

Luật sư Thái cho biết thêm, qua theo dõi các vụ án mạng có nhiều người tử vong như trên thì nguyên nhân thường là do mâu thuẫn rất căng thẳng giữa đối tượng gây án với các nạn nhân. Thường có thể là một vụ cướp tài sản; một hành động trả thù của những đối tượng tàn nhẫn, máu lạnh hoặc cũng có thể do đối tượng tâm thần, mất khả năng nhận thức gây ra...

Trong vụ án này, CQĐT sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc để xác định động cơ, những yếu tố phát sinh, thúc đẩy đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, làm cơ sở chứng minh tính chất khách quan, logic của các chứng cứ để xác định hung thủ gây án.

Việc xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội cũng là yếu tố cần thiết để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm. Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng sẽ có những tổng kết thực tiễn, kiến nghị để hoàn thiện chính sách hình sự và bổ sung các quy định của pháp luật nhằm loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm có hiệu quả hơn.

Thực tiễn giải quyết những vụ án hình sự trong thời gian gần đây cho thấy, hiện tượng huynh đệ tương tàn, con cái sát hại cha mẹ thường là do các đối tượng tâm thần, các đối tượng nghiện ma túy bị ảo giác gây ra hoặc do những nguyên nhân mâu thuẫn rất trầm trọng, kéo dài trong gia đình mà không có hướng giải quyết tích cực.

“Trường hợp có căn cứ cho thấy hung thủ chính là đối tượng Hiếu - con của các nạn nhân, đối tượng đã có tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” đối với vợ mình và vừa mới chấp hành xong bản án thì điều này cho thấy đối tượng này có vấn đề về tâm thần hoặc thiếu chuẩn mực về đạo đức khi liên tục xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của những người thân yêu nhất (cha, mẹ, vợ, em gái). Nguyên nhân sự việc cũng có thể là sự trả thù do những mâu thuẫn trước khi đối tượng này thụ án.

Nếu đối tượng không bị tâm thần khi gây án thì công tác thi hành án hình sự trong trường hợp này đã không đạt hiệu quả. Mục đích của hình phạt là để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Sau khi chấp hành án thì đối tượng sẽ trở thành người tốt, sẽ tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác và tôn trọng các quy tắc cộng đồng, quy định của pháp luật.

Vụ án này sẽ có nhiều vấn đề cần phải làm rõ để xử lý tội phạm cũng như thực hiện tốt hơn công tác phòng ngừa tội phạm trong thời gian tới”, luật sư Thái đưa ra nhận định và kiến nghị.

“Hành vi của đối tượng đã đủ yếu tố cấu thành tội đặc biệt nghiêm trọng quy định trong BLHS 2015 sửa đổi là tội “Giết người”, đối tượng Trần Văn Hiếu rất khó có thể thoát khỏi mức án cao nhất là tử hình”, luật sư Thái cho biết.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.