Hơi thở cuộc sống trong sáng tác của người chiến sĩ, nhạc sĩ, nhà giáo Đào Hữu Thi

Trên sân khấu trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” mới đây, nhạc sĩ Đào Hữu Thi - tác giả của ca khúc “Em là cô giáo vùng cao” (quán quân cuộc thi) đã chia sẻ câu chuyện xúc động là nguồn cảm hứng để ông sáng tác ca khúc này.
Hơi thở cuộc sống trong sáng tác của người chiến sĩ, nhạc sĩ, nhà giáo Đào Hữu Thi
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải cho tác giả đoạt giải Nhất - Nhạc sĩ Đào Hữu Thi (Ảnh: GDTĐ)

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi chia sẻ ca khúc “Em là cô giáo vùng cao” được ông sáng tác vào năm 2018 trong bối cảnh ông và học trò đi thực tế sáng tác tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Đường lên địa đầu Tổ quốc hùng vĩ hiểm trở, bỗng thấy cô gái dáng người nhỏ xinh cả đoàn liền dừng lại hỏi thăm. Cuộc trò chuyện của nhạc sĩ với cô gái trong 1 giờ đồng hồ đã giúp ông hiểu phần nào công việc của cô. Vốn sinh ra và lớn lên ở miền xuôi nhưng cô lại lên miền núi dạy học. Trường cô dạy nơi bản xa, nỗi nhớ nhà lúc nào cũng da diết nhưng tình yêu học trò và những ánh mắt của trẻ vùng cao đã níu cô ở lại nơi miền núi này.

Sau cuộc trò chuyện đó, nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã phác thảo ra những ca từ của ca khúc với nội dung kể về một cô giáo miền xuôi lên vùng cao dạy học. Những khó khăn, vất vả, tình cảm yêu thương, gắn bó của cô giáo với học trò được thể hiện qua từng câu từ khiến người nghe không khỏi xúc động.

Là người lính 22 năm, sau đó chuyển sang làm thầy giáo, nhạc sĩ Đào Hữu Thi từng sáng tác nhiều ca khúc về người lính và thầy cô giáo. Khi nhận được giải Nhất của cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”, bản thân ông rất xúc động. Ông chia sẻ: “Năm nay đã 80 tuổi, nhưng khi nào còn khỏe sẽ còn viết những các khúc về đề tài giáo dục và tôn vinh những thầy cô giáo…”.

Hơi thở cuộc sống trong sáng tác của người chiến sĩ, nhạc sĩ, nhà giáo Đào Hữu Thi
Nhạc sĩ Đào Hữu Thi được mệnh danh là nhạc sĩ Trường Sơn

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Khi trưởng thành, ông trở thành thầy giáo dạy văn tại một trường PTTH. Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông nhập ngũ, được điều về Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, là chiến sỹ thuộc Trung đoàn tên lửa 285, Sư đoàn 363, đóng quân tại Hải Phòng.

Năm 1969, ông lên đường vào Nam. Tiểu đoàn tên lửa của ông được cấp trên giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Vốn có năng khiếu về âm nhạc, văn chương nên sau những giờ đứng gác, ông tranh thủ ôm cây đàn ghi ta “tập tành” sáng tác.

Sau những lúc trực chiến trên trận địa, nhạc sĩ Đào Hữu Thi lại ôm đàn hát cho đồng chí, đồng đội của mình nghe. Những thanh âm tha thiết ấy chính là món quà cổ vũ các chiến sĩ càng thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 1971, cấp trên điều động nhạc sĩ Đào Hữu Thi sang công tác tại Đoàn Văn công xung kích, Sư đoàn 473. Sau này, ông tham gia vào bộ phận sáng tác của Đoàn Văn công Trường Sơn.

Hơn 20 năm khoác trên mình màu xanh áo lính, từng xông pha tại chiến trường, trong đó có chiến trường Trường Sơn ác liệt đã tạo nên một người chiến sĩ, nhạc sĩ Đào Hữu Thi kiên cường, lúc nào cũng tuôn trào tình yêu quê hương, đất nước, con người. Đồng đội, đồng chí cũng chính là những người truyền năng lượng sáng tác cho ông.

Với gia tài đồ sộ các ca khúc về Trường Sơn mà nhạc sĩ Đào Hữu Thi được mệnh danh là "nhạc sĩ Trường Sơn". Ông chia sẻ đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là tuyến huyết mạch đầy trông gai thử thách. Thấu hiếu tâm tư, sự hy sinh thầm lặng của những “cô gái Trường Sơn” ngày đêm vất vả "xây đường", nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã viết ca khúc "Em là cô gái Trường Sơn" đầy xúc động.

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Đào Hữu Thi còn sáng tác rất nhiều ca khúc về Trường Sơn, về tình đồng chí,… của mình, như: “Đường Trường Sơn trăm ngả,” “Niềm vui em đón xe qua,” “Em đi qua A Pông,” “Tình em gửi trọn con đường,” “Hát mãi với Trường Sơn,” “Đường ống Trường Sơn”…

Không chỉ sáng tác về chiến trường, là người con của Thủ đô, tình yêu với Hà Nội lúc nào cũng chảy bỏng trong trái tim nhạc sĩ Đào Hữu Thi. Xa quê, nỗi nhớ Hà Nội vẫn thường trực trong tâm trí ông, thôi thúc ông sáng tác những ca khúc về mảnh đất thân thương này. Một trong số đó là ca khúc “Nhớ mãi một chiều thu” ra đời mang đến cảm xúc lắng đọng, êm đềm, da diết cho người nghe.

Với một tâm hồn lãng mạn, đầy chất thơ, nhạc sĩ Đào Hữu Thi lúc nào cũng tràn đầy năng lượng cống hiến cho âm nhạc. Chỉ cần “bắt” được một khoảnh khắc nào thực sự ý nghĩa là ông sẽ biến hóa thành lời ca, giai điệu, mang đầy hơi thở cuộc sống, truyền tải những thông điệp nhân văn sâu sắc.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.