Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi):

Đề xuất dừng chiếu, rút phép đối với tác phẩm điện ảnh có nghệ sĩ vi phạm đạo đức

Ngày 23-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Cho ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) đề xuất Luật Điện ảnh nên quy định dừng chiếu, hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh có nghệ sĩ vi phạm đạo đức, an ninh chính trị,...
Đề xuất dừng chiếu, rút phép đối với tác phẩm điện ảnh có nghệ sĩ vi phạm đạo đức
ĐBQH Lê Thu Hà cho rằng Luật Điện ảnh nên quy định dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh khi người nghệ sĩ tham gia vi phạm đạo đức. Ảnh: Quochoi.vn

Nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài

ĐBQH Lê Thu Hà cho rằng phải thay đổi cơ chế kiểm duyệt phim mang tính đột phá bởi nhiều bộ phim có giá trị bị cấm, không thể công chiếu được, gây đáng tiếc với người làm phim nói riêng và nền điện ảnh nói chung.

“Chúng ta đã có quy định phân loại phim theo độ tuổi nhưng rõ ràng trong thực tế có nhiều bộ phim không thể xếp loại vì những quy định ngặt nghèo. Vì vậy, nhiều bộ phim có giá trị đã bị cấm, không thể công chiếu, gây đáng tiếc với người làm phim nói riêng và nền điện ảnh nói chung”, ĐBQH Lê Thu Hà phát biểu. Bà Hà cũng cho rằng ngoài phân loại phim theo độ tuổi trên 18 tuổi thì có những bộ phim quy định “trần” cao hơn như 21, 24, 25 tuổi.

Về việc đối tượng tham gia và đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện ảnh là các diễn viên, ĐBQH Lê Thu Hà cũng dẫn chứng, Trung Quốc đang làm một chiến dịch rất mạnh mẽ để loại bỏ ngôi sao có lối sống lệch chuẩn và Việt Nam cũng có thể tham khảo vấn đề này.

“Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể tham khảo vấn đề này, bởi vì người hoạt động nghệ thuật cần phải hết sức giữ gìn hình ảnh của mình, nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài”, bà Lê Thu Hà nhấn mạnh. Bà Hà cũng đề xuất Luật Điện ảnh nên quy định dừng chiếu, hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh khi người nghệ sĩ vi phạm đạo đức, an ninh chính trị, hoặc phát ngôn nào đó.

Kiểm soát chặt chẽ phim truyện, phim chiếu mạng

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, việc quản lý phim trên không gian mạng là điều quan trọng. Nếu chỉ quy định hậu kiểm và gỡ bỏ thì chưa ổn bởi trước khi gỡ bỏ nó tồn tại khá lâu, có hàng triệu người xem. Có những nền tảng xuyên biên giới mất nhiều thời gian. Vì vậy việc hậu kiểm cần cân nhắc. Theo ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai nên có giải pháp thích hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm với phim phổ biến trên mạng, tránh lọt phim không phù hợp trên mạng.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng (Đoàn ĐBQH Quảng Ninh) đề nghị khuyến khích đầu tư phim tư nhân vì nhiều phim tư nhân rất tốt nhưng “phải kiểm soát rất chặt chẽ” bởi yếu tố quan ngại nhất ở phim tư nhân là người đầu tư thường chỉ hướng đến mục tiêu lợi nhuận, doanh số, thị phần.

“Họ rất chú ý vào các thị hiếu, kể cả thị hiếu tầm thường của người xem. Những phim này thường có rất nhiều yếu tố tiêu cực, kích động bạo lực, hay khoét vào các chuyện như tình, tiền, tù, tội… Tất cả những chữ T này được áp dụng rất nhiều”- ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Điện ảnh phải giữ gìn văn hóa dân tộc

Đề xuất dừng chiếu, rút phép đối với tác phẩm điện ảnh có nghệ sĩ vi phạm đạo đức
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Nhấn mạnh vai trò của điện ảnh trong sự phát triển đất nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng, nhiều nước có nền công nghiệp điện ảnh sâu rộng, quảng bá được hình ảnh đất nước, con người. Chủ tịch nước lấy ví dụ ở Hàn Quốc cách đây 20 năm, những bộ phim như "Giày thủy tinh", "Nàng Dae Jang Geum" đã giới thiệu về đất nước Hàn Quốc. Còn tại Hà Nội, những buổi chiều chủ nhật vắng tanh vì người ta ở nhà xem phim Hàn Quốc. Sự thu hút mạnh mẽ như vậy cho thấy vai trò của điện ảnh đối với sự phát triển của đất nước là rất lớn. Do đó Luật Điện ảnh phải tạo hành lang pháp lý, điều kiện cho điện ảnh phát triển chứ không cản trở hay làm hư hỏng ngành nghệ thuật.

“Văn hóa soi đường quốc dân đi”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Chủ tịch nước cũng cho rằng làm điện ảnh phải giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua truyền bá những hình ảnh đất nước, con người, truyền thống Việt Nam.

Về những điều cần nghiêm cấm, Chủ tịch nước cho rằng cần nghiên cứu những mặt tốt trong cách làm của Trung Quốc. "Vừa rồi xới lại một loạt vấn đề. Có những người lên mạng thu hút hàng triệu người xem với những trò bẩn thỉu, thiết kế giao diện phức tạp. Hay gần đây có một số người nổi danh trên mạng ra rả chửi người này người kia, nói năng thô tục.

Đó là một hình ảnh rất xấu, phải nghiêm trị. Những hành vi này cần nghiêm cấm vì vi phạm đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng đến dân tộc, xóa nhòa lịch sử, tiêu cực trong tư tưởng. Về những hành vi nghiêm cấm, tôi đề nghị cụ thể hóa hơn nữa", Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước đề nghị, phải xây dựng Luật Điện ảnh “dài hơi”, đặc biệt khi công nghệ bùng nổ và nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước. Về chính sách, theo Chủ tịch nước, đối với điện ảnh thì nên xã hội hóa, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân được làm phim. Nhà nước nên đặt hàng, dành nguồn kinh phí hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm phim về lịch sử, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.